Đoàn kết – Đặc trưng của xây dựng văn hóa Đảng
Xây dựng văn hóa Đảng là một trong những nội dung đặc sắc, điểm nhấn của công tác xây dựng Đảng ở tác phẩm này. Đặc biệt là vấn đề xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, văn hóa tự phê bình và phê bình, thực hành đạo đức cách mạng, văn hóa trọng dân, gần dân và sự nêu gương của người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân. Qua Di chúc của Bác có thể thấy rằng, việc tạo lập, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng – một đặc trưng của xây dựng văn hóa Đảng.
PGS.TS Đào Duy Quát – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) – phân tích: Di chúc của Người là sự kết tinh, hội tụ cô đọng và hàm xúc nhất. Đặc biệt là vấn đề xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, văn hóa tự phê bình và phê bình, thực hành đạo đức cách mạng, văn hóa trọng dân, gần dân và sự nêu gương của người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân… Những dòng đầu tiên trong nội dung Di chúc, Bác viết “Trước hết nói về Đảng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Đoàn kết là một trong những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đoàn kết thống nhất trong Đảng cũng trở thành một giá trị văn hóa của Đảng cầm quyền, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Và như Người đã đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.
Tinh thần nhân văn cao cả, thấm đượm giá trị văn hóa đặc sắc
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Bắc – Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được xem là nhân tố quan trọng hàng đầu đảm bảo cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử mà nhân dân, dân tộc giao phó. Có lẽ vì thế không phải ngẫu nhiên mà trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho muôn đời sau, nội dung đầu tiên Người đề cập về công tác xây dựng Đảng chính là vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Theo Người, để sự đoàn kết thống nhất trong Đảng thực sự trở thành một giá trị văn hóa Đảng, là nền tảng cho mọi thành công của Đảng thì đoàn kết phải trước sau như một, đoàn kết phải dựa trên cơ sở lý luận mácxít, đường lối, chủ trương của Đảng và vì lợi ích của tập thể. Tức là, Đảng phải là một khối thống nhất cả ý chí và hành động.
“Cùng với lời căn dặn đầy tâm huyết đó, để thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra yêu cầu, biện pháp rất cơ bản, khoa học và cụ thể. Người cho rằng, “cách tốt nhất” là phải thực hiện nghiêm túc, triệt để các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ, tự phê bình và phê bình.
Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Mặt khác, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, để có sự đoàn kết thống nhất thực sự trong Đảng, không chỉ cần thực hiện đúng nguyên tắc, giữ vững bản lĩnh và lý trí, mà ở mỗi cán bộ, đảng viên còn phải có tình thương yêu đồng chí, sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc” – PGS.TS Nguyễn Đình Bắc nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Bắc, xuyên suốt vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng ở Di chúc (từ sự cần thiết, yêu cầu, đến nội dung và biện pháp xây dựng… mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra) đều chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả, thấm đượm giá trị văn hóa đặc sắc. Đây chính là một trong những biểu hiện đặc trưng của văn hóa Đảng.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/xay-dung-van-hoa-dang-trong-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-1385168.ldo