Chiều 19-5, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn mức 1. Tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Lễ đón bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn mức 1. (Ảnh: Minh Hiếu)
Kính thưa Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương!
Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành bạn!
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa!
Thưa các quý vị đại biểu!
Thưa các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa!
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Năm lịch sử; hôm nay, đúng vào ngày kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu và hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023); chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau vui mừng, phấn khởi dự Lễ đón Bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn mức 1. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, mốc son trên chặng đường xây dựng và phát triển của Nhà trường.
Tại buổi Lễ quan trọng này, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới đồng chí Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành bạn, các quý vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể các đồng chí và các bạn những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Thưa các các đồng chí!
Cách đây 74 năm, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Ra đời và được nuôi dưỡng trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; trải qua các giai đoạn lịch sử, với những mô hình tổ chức và tên gọi khác nhau, các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, luôn nêu cao tinh thần yêu nước, miệt mài giảng dạy, hăng say học tập, lao động, từng bước khẳng định là một trong những trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Tỉnh.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp có hiệu quả của các Học viện khu vực, cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các ban, sở, ngành, MTTQ, các đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Nhà trường liên tục phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tinh thần vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chủ động đề ra nhiều giải pháp đổi mới đồng bộ, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng chục nghìn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh và tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Đa số học viên sau khi tốt nghiệp đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả các kiến thức đã học vào thực tiễn công tác, đã và đang đem tài năng, sức lực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương, đất nước.
Bên cạnh việc làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học cũng thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Nhà trường đã tham gia nghiên cứu và bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, đóng góp vào việc hoạch định các chủ trương, cơ chế, chính sách của cấp ủy, chính quyền, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Cơ sở vật chất của Trường được quan tâm đầu tư, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, xây dựng văn hoá trường Đảng có nhiều đổi mới. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, giảng viên được xây dựng, củng cố, kiện toàn, bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng, luôn đem hết tâm huyết, trí tuệ phục vụ cho “công việc gốc của Đảng”.
Việc xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương được đặc biệt quan tâm. Sau 02 năm triển khai, đến nay, Nhà trường đã có 55/55 chỉ tiêu đạt chuẩn mức 1, trong đó có 26 chỉ tiêu vượt trội; có 52/64 chỉ tiêu đạt chuẩn mức 2 theo quy định. Nhà trường vinh dự là 01 trong 05 trường chính trị đầu tiên trong hệ thống trường chính trị cả nước được đón Bằng công nhận trường chính trị đạt chuẩn mức 1. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng không ngơi nghỉ của các thế hệ cán bộ, giảng viên, người lao động Nhà trường.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích, kết quả mà các thế hệ thầy và trò Trường Chính trị tỉnh đạt được trong suốt những năm qua; đặc biệt xin chúc mừng Nhà trường được đón Bằng công nhận và được tặng biểu trưng trường chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 1 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Thưa các quý vị đại biểu!
Thưa các thầy giáo, cô giáo, cùng toàn thể các đồng chí!
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển Thanh Hóa “đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”. Để hoàn thành sự nghiệp to lớn đó, nhân tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định hàng đầu là phải đào tạo, xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng tổ chức công việc giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của thời kỳ mới.
Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và vị trí, vai trò của Trường Chính trị tỉnh; ngày 05/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 729-KL/TU về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó xác định mục tiêu “Tiếp tục đổi mới toàn diện, thực chất công tác lãnh đạo, quản lý của Trường Chính trị tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập theo hướng đồng bộ, đạt chuẩn; xây dựng văn hóa Trường Chính trị tỉnh chuẩn mực, kiểu mẫu; phấn đấu xây dựng Trường Chính trị tỉnh trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước”.
Trong niềm phấn khởi, tự hào được đón Bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 1 và trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, thầy và trò Trường Chính trị tỉnh quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, về xây dựng trường chính trị đạt chuẩn và Kết luận số 729-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bám sát các quy định, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương; khẩn trương rà soát, đánh giá đầy đủ, khách quan các chỉ tiêu đạt chuẩn mức 2, để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách khoa học, bài bản, phù hợp, phấn đấu sớm hoàn thiện và được công nhận đạt chuẩn mức 2 trong năm 2025.
Thứ hai, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và mục tiêu, yêu cầu, định hướng chiến lược cán bộ, Nhà trường cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn học lý luận với nâng cao năng lực thực hành, vừa trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược, phương pháp làm việc khoa học, vừa gắn với việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế; phát huy tính sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu của học viên. Đổi mới công tác tuyển sinh, công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng; phát huy tốt vai trò “Người học là trung tâm, Nhà trường là nền tảng, Giảng viên là động lực”. Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, quản lý, phục vụ các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn lãnh đạo các cấp; tiếp tục làm tốt công tác đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh Hủa Phăn (Nước CHDCND Lào).
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy, học tập với nghiên cứu khoa học theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với nhu cầu thực tế. Chủ động chuyển giao các kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; tăng cường phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở; kịp thời phản biện, tư vấn, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền những chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thứ tư, tăng cường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng trường đạt chuẩn. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị Nhà trường, bảo đảm dân chủ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp. Bên cạnh việc xây dựng và nhân rộng các mô hình đổi mới sáng tạo, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy – học tốt, tư vấn tốt”, tạo khí thế thi đua sổi nổi, quyết tâm xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển.
Thứ năm, tiếp tục quan tâm xây dựng và phát triển toàn diện Nhà trường. Chăm lo xây dựng Đảng bộ, tổ chức đảng và đảng viên Trường Chính trị tỉnh thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch vững mạnh; đi đầu trong việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; xây dựng văn hóa trường Đảng chuẩn mực, kiểu mẫu, có bản sắc riêng. Chú trọng làm tốt công tác cán bộ, có chiến lược lâu dài để đào tạo cán bộ, giảng viên trẻ và thu hút giảng viên có trình độ cao về Trường công tác hoặc tham gia giảng dạy; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức thực sự năng động, sáng tạo, giỏi trình độ chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, toàn tâm, toàn ý, sẵn sàng cống hiến vì sự phát triển của quê hương.
Mỗi thầy, cô giáo, cán bộ quản lý Nhà trường cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với “công việc gốc của Đảng”; thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, giữ vững chữ “đạo”, dồi dào chữ “tâm”; truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, khơi dậy tình yêu, khát khao cống hiến cho quê hương, đất nước, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, bồi dưỡng lý luận chính trị và tư tưởng của Đảng bộ tỉnh.
Thưa các đồng chí!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời về tinh thần học tập. Người từng khẳng định “Cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi”1, “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học”2 và “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”3. Được về học tập, nghiên cứu tại Trường Chính trị tỉnh là một vinh dự lớn; các đồng chí học viên cần chủ động học tập, nâng cao kiến thức các mặt, nắm vững nguyên lý và phương pháp khoa học để vận dụng sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Tranh thủ mọi thời gian, tận dụng mọi điều kiện để đọc, để nghe, để trao đổi, thảo luận, phát huy tính chủ động, ý thức tự giác, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; học đi đôi với hành, gắn kiến thức cơ bản với kiến thức ứng dụng để sau khi hoàn thành chương trình học tập, các đồng chí có thể vận dụng nhuần nhuyễn những kiến thức đã được trang bị vào xử lý các tình huống công việc, và hơn thế nữa là để trở thành một cán bộ ưu tú về trí tuệ và đạo đức, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu chung của toàn Đảng bộ.
Thưa các quý vị đại biểu!
Thưa các thầy giáo, cô giáo, cùng toàn thể các đồng chí!
Xây dựng và phát triển Trường Chính trị ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần chủ động, tích cực phối hợp, tạo điều kiện để Trường Chính trị tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, tôi trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và các đồng chí đại biểu các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã luôn quan tâm, giúp đỡ, đồng hành với tỉnh Thanh Hóa trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn. Kính mong trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí để Thanh Hóa ngày càng phát triển, Trường Chính trị tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Một lần nữa, kính chúc đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Trường Chính trị tỉnh ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.
Xin trân trọng cảm ơn!
———————
1 Hồ Chí Minh: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Nxb Trẻ, trang 28.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, trang 113.
3 Hồ Chí Minh – Sđd, tập 6, trang 208.