Với quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đó Hải Phòng đẩy mạnh phát triển nhanh các ngành dịch vụ với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics, du lịch và thương mại. Trong đó phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Đầu tư phát triển hệ thống logistics, chợ đầu mối hiện đại, thông minh, bền vững; đẩy mạnh thương mại điện tử; hình thành các sàn giao dịch hàng hóa và các cụm, khu vực hội chợ triển lãm. Xây dựng mới các trung tâm thương mại, tài chính tầm cỡ quốc gia, quốc tế; các khu trung tâm dịch vụ thương mại gắn với dịch vụ cảng hàng không Cát Bi, Tiên Lãng, đô thị mới Bắc sông Cấm Thủy Nguyên, An Dương,… Hình thành các tuyến phố thương mại, dịch vụ, ẩm thực,… ở khu vực nội thành lịch sử. Xây dựng các chợ đầu mối ở Đồ Sơn, Thuỷ Nguyên, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão…
(Nguồn: Internet)
Tập trung khai thác thế mạnh tài nguyên du lịch biển tại Cát Bà – Đồ Sơn, liên kết với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng hướng tới xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh sông Hồng (du lịch biển đảo, du lịch văn hoá – lịch sử, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khoẻ,…); chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà – Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa; liên kết với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà.
(Nguồn: Internet)
Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch của Vùng đồng bằng sông Hồng phát huy thế mạnh văn hóa, con người của thành phố cảng Hải Phòng, tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Đầu tư tôn tạo, nâng cấp, bảo vệ, khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử – văn hóa và các công trình kiến trúc cổ. Xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa, xứng tầm với một đô thị lớn; bảo tồn các công trình văn hóa vật thể, phát huy những nét đẹp của văn hóa phi vật thể. Không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Hải Phòng với các địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa thể dục thể thao; phát triển sâu rộng và bền vững hoạt động thể dục thể thao, phát triển thể thao thành tích cao, tập trung vào các môn thế mạnh. Cải tạo, nâng cấp các công trình thể thao hiện có; đầu tư xây dựng các công trình thể dục thể thao, đảm bảo điều kiện tập luyện, thi đấu và đăng cai các giải quốc gia, quốc tế. Có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài trong lĩnh vực thể dục thể thao.
Phát triển vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ – du lịch – đô thị hướng ra biển, Trung tâm đô thị lịch sử thương mại, du lịch…được chỉnh trang bảo tồn, tôn tạo các không gian, các công trình kiến trúc có giá trị cao, cải tạo cảnh quan, nâng cấp hạ tầng để tạo dựng được bản sắc của một đô thị có bề dày lịch sử. Phát triển khu vực nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy tối đa điều kiện tự nhiên, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đai; đảm bảo bền vững, định cư lâu dài, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu những thiệt hại tiềm ẩn do thiên tai gây ra.
Bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch, dịch vụ thương mại và phát triển sản phẩm OCOP. Đối với khu vực nông thôn thuộc thành phố Thủy Nguyên và các huyện dự kiến lên thị xã gồm An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng: phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hóa, chủ yếu phát triển các ngành nghề mới và chuyên môn hóa như sản xuất tiểu thủ công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Phát triển dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, du lịch, nghỉ dưỡng và hướng tới các tiêu chuẩn của đô thị.
Đẩy mạnh phát triển Khu du lịch – dịch vụ Đồ Sơn là trung tâm du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, sự kiện; thể thao, vui chơi giải trí, tín ngưỡng và các lễ hội biển. Cát Bà, Long Châu, Bạch Long Vĩ là các khu du lịch dịch vụ kết hợp bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái. Khu phố cổ và Thủy Nguyên là các khu du lịch – thương mại dựa trên giá trị về lịch sử, kiến trúc, phát huy không gian du lịch gắn với hệ thống di tích chiến thắng lịch sử Bạch Đằng Giang. Hình thành tuyến du lịch di sản văn hoá: Cái Bèo – Bạch Đằng Giang – Núi Voi – Khu di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm – Khu tưởng niệm Vương triều Mạc…
Diêm Giang