PV: Thưa ông, Thừa Thiên – Huế là địa phương có nhiều tôn giáo hoạt động. Ông có thể khái quát về tình hình tôn giáo tại Thừa Thiên – Huế hiện nay?
Ông Dương Đình Luân: Thừa Thiên – Huế là vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, là trung tâm tôn giáo của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, có 4 tổ chức tôn giáo hoạt động trên địa bàn gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài. Tín đồ các tôn giáo chiếm khoảng 60% dân số toàn tỉnh; với 693 cơ sở tôn giáo, 1.653 chức sắc, 2385 chức việc.
Đời sống tâm linh là một bộ phận cấu thành những nét đặc trưng của văn hoá Huế, nên sinh hoạt tôn giáo là một nét đậm trong đời sống văn hoá tinh thần của phần đông người dân xứ Huế. Tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang giữ vai trò quan trọng, chi phối và ảnh hưởng nhiều đến đời sống tinh thần của đa số nhân dân trong tỉnh.
Sinh hoạt tôn giáo trong những năm qua có chiều hướng phát triển. Số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng nhiều; các hoạt động thuần túy tôn giáo ngày càng phong phú, đa dạng. Chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cùng nhau đoàn kết, chung sức, chung lòng tham gia các phong trào ích nước lợi dân vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
PV: Với hoạt động tôn giáo phong phú như vậy việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc có đặc điểm gì nổi bật, thưa ông?
Ông Dương Đình Luân: Với đường hướng hành đạo: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo, “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Công giáo, “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” của Tin lành, “Nước vinh, Đạo sáng” của Cao Đài… thì trong thời gian qua, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”. Cụ thể, cộng đồng các tôn giáo đã tham gia có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên – Huế “Sáng – Xanh – Sạch, không rác thải”, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, mô hình “Tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”, “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”…; thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động xã hội như: giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện nhân đạo; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vận động ủng hộ bão lụt, phòng chống dịch Covid-19 với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng…. Các hoạt động trên đã phát huy được những phẩm chất cao quý, tình yêu thương con người, tình yêu quê hương đất nước trong các chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo, thể hiện việc hoàn thành trách nhiệm, bổn phận của một tín đồ tôn giáo và trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc.
Có thể nói, tình hình tôn giáo ở Thừa Thiên – Huế trong những năm qua có những chuyển biến tích cực, hoạt động của các tổ chức tôn giáo ngày càng đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật. Quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với chính quyền các cấp ngày càng tốt hơn, gần gũi và hợp tác chặt chẽ. Phần lớn tín đồ, chức sắc phấn khởi trước những thành tựu của đất nước và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng; tích cực xây dựng cuộc sống hài hòa “tốt đời – đẹp đạo”, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần sớm đưa Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
PV: Để phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong tôn giáo, theo ông thời gian tới tỉnh cần có những nhiệm vụ, giải pháp nào ?
Ông Dương Đình Luân: Là một tỉnh phần lớn nhân dân có đời sống tín ngưỡng tôn giáo, nên các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh xác định đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cốt lõi công tác vận động quần chúng là công tác tôn giáo vận, trong những năm qua công tác vận động giáo hội, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo luôn được quan tâm, với những việc làm thiết thực và hiệu quả đã góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để tiếp tục phát huy vai trò của các tôn giáo chung sức, chung lòng, đồng hành cùng địa phương xây dựng quê hương Thừa Thiên – Huế ngày càng giàu đẹp, thời gian tới tỉnh nhà quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau.
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của thế lực thù địch; thường xuyên quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong chức sắc và tín đồ các tôn giáo.
Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo ngay từ khi phát sinh, không để diễn biến kéo dài, tạo thành điểm nóng tôn giáo.
Ba là, tiếp tục phát huy vai trò của các tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trong việc vận động tín đồ thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện… góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan thường xuyên tiếp xúc, tăng cường đối thoại, lắng nghe, tìm hiểu để nắm chắc tình hình sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn để tập hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các tôn giáo. Qua đó, giải quyết hợp lý, hợp tình những nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc và tín đồ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo tổ chức các hoạt động thuần túy tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các chủ trương, chính sách về tôn giáo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Năm là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ không chuyên trách, lực lượng tư vấn, cộng tác viên, thu hút người tiêu biểu trong các tôn giáo tham gia công tác tôn giáo của Mặt trận ở các cấp và có cơ chế, chính sách phù hợp từng điều kiện của địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho chức sắc, tu sỹ tiến bộ tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời.
PV: Xin cảm ơn ông!