(MPI) – Phát biểu tại Hội thảo Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: chinhphu.vn |
Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều ngày 16/01/2025. Tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi. Cùng dự có diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, Cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo đại sứ quán, tổng lãnh sự quán một số nước tại Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, việc xây dựng Trung tâm tài chính không phải là vấn đề mới trên thế giới nhưng lại là nội dung chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Điều này, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng và sự tham gia, đóng góp trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là các chuyên gia, tổ chức và nhà đầu tư quốc tế.
Thời gian qua, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường; những rủi ro mới vẫn đang tiếp tục xuất hiện, từ sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, suy giảm tăng trưởng, thâm hụt ngân sách tại một số nền kinh tế lớn. Riêng trong lĩnh vực tài chính, xu hướng sắp xếp lại trật tự của thị trường toàn cầu cùng với sự phát triển của công nghệ và việc ứng dụng công nghệ đã và đang thay đổi bản chất của thị trường.
Việt Nam có những ưu thế đặc biệt riêng có, như tăng trưởng kinh tế nhanh, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng chiến lược ngày càng hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu phát triển. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam sẽ tiếp nhận được nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các Trung tâm tài chính quốc tế lớn khác trong khu vực cũng như quốc tế để bứt phá và tạo lập vị thế mới.
Từ đó, tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh, hiệu quả, và có những sự phát triển đột phá, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển bền vững, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, đảm bảo an ninh quốc phòng và các nguy cơ an ninh phi truyền thống từ sớm từ xa.
Tại Kết luận số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 về Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Bộ Chính trị đã yêu cầu “các Cơ quan phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong tổ chức thực hiện Đề án quan trọng này”.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, để triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP ngày 31/12/2024 về Kế hoạch hành động về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành và địa phương liên quan lập hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam đảm bảo nguyên tắc phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt và liên tục của Nhà nước.
Khung pháp lý áp dụng cho Trung tâm tài chính phải có tính đột phá, đảm bảo phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam; bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế, theo chuẩn mực, thông lệ tiên tiến của thế giới, có tính cạnh tranh cao, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực nội tại, trong đó ưu tiên lợi ích quốc gia là trên hết; đặc biệt là uy tín và an ninh tài chính quốc gia; Phát triển TTTC tại khu vực có ranh giới xác định và áp dụng các chính sách đặc thù trong khu vực TTTC, đối tượng tham gia được xác định theo tiêu chí rõ ràng, với chính sách ưu đãi vượt trội có sự điều chỉnh phù hợp, linh hoạt; Bảo đảm cân đối lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Dự thảo Nghị quyết Quốc hội tập trung vào một số cơ chế chính sách quan trọng bao gồm 14 nội dung được chia thành 2 nhóm, gồm: nhóm các chính sách áp dụng ngay và nhóm các chính sách áp dụng theo lộ trình để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Đối với thành phố Đà Nẵng, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, Thành phố đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên, thời, địa lợi, nhân hòa” khi có đầy đủ các lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực.
Thứ nhất, Đà Nẵng có vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, nằm ở trung tâm của Vùng Duyên hải miền Trung, nhận được sự chú ý và đánh giá cao của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, có tính kết nối cao về giao thông quốc tế với chất lượng dịch vụ tốt như cảng hàng không quốc tế, dự án Cảng Liên Chiểu, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, môi trường sống, hạ tầng đô thị, các dịch vụ du lịch phát triển, đặc biệt khi kết hợp cùng khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ mở ra cơ hội phát triển các liên kết tài chính – thương mại quốc tế, công nghệ cao để đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư – thương mại – tài chính – công nghệ của quốc gia, khu vực.
Thứ hai, Đà Nẵng nằm trong danh sách các thành phố đáng sống nhất thế giới trong nhiều năm qua với nhiều chính sách mang thương hiệu riêng, mang đến góc nhìn tích cực, thiện chí và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thứ ba, sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chủ động, tích cực với các cơ quan liên quan của đồng chí Bí thư Thành phố Đà Nẵng đã mở ra triển vọng phát triển, đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm giao thương không chỉ hàng hóa mà còn là dịch vụ và công nghệ quốc tế.
“Từ các yếu tố này, các nhà đầu tư, tổ chức tư vấn quốc tế nhận định Đà Nẵng có tiềm năng phát triển và hợp tác với các Trung tâm tài chính quốc tế khác để tận dụng lợi thế hiện tại về múi giờ, sự ổn định chính trị, thể chế, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu.
Do đó, việc triển khai lộ trình xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là cần thiết để phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế và các dịch vụ phụ trợ có tiềm năng, lợi thế…, huy động nguồn lực tài chính quốc tế trong sự phát triển đột phá của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng, của đất nước nói chung.
Việc lựa chọn mô hình và cách thức xây dựng trung tâm tài chính cần được thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các bài học kinh nghiệm quốc tế. Với định hướng phát triển trung tâm tài chính theo hướng kết hợp, tinh thần không cầu toàn, không bỏ lỡ cơ hội cùng nguyên tắc xuyên suốt phải là “sân chơi” của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, có luật chơi chung tương thích với thông lệ quốc tế … nhưng đồng thời, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cần phải phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề xuất một số nội dung trao đổi và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong năm 2025. Theo đó, đối với các đối tác quốc tế: Hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương trong việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành Trung tâm tài chính; Hỗ trợ đề xuất, kiến nghị các chính sách, định hướng cụ thể đối với các nhóm chính sách tại Đề án, góp phần giúp Chính phủ Việt Nam đảm bảo tính đột phá của Trung tâm tài chính tại Việt Nam; Hỗ trợ huy động nguồn lực đầu tư và phát triển các Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Đối với Thành phố Đà Nẵng: cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Trung tâm tài chính, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống…; Tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại Trung tâm tài chính của các địa phương.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn và sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ của các đại biểu về định hướng phát triển, các cơ chế chính sách đặc thù, những kinh nghiệm quý, bài học hay của quốc tế về phát triển trung tâm tài chính. Đặc biệt, những ý kiến, khuyến nghị đối với 14 chính sách để phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, cụ thể trong các lĩnh vực như fintech, cơ chế giải quyết tranh chấp, chiến lược hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, phân tích, đánh giá về lợi ích và rủi ro của trung tâm tài chính, đề xuất các sản phẩm trọng tâm mang tính cạnh tranh, có khả năng hợp tác và bổ trợ cho các Trung tâm tài chính khác trong khu vực.
Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự quyết tâm của Đà Nẵng, cùng với sự đồng lòng của các Bộ, ngành, địa phương và hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước, Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng sẽ được xây dựng và phát triển thành công, không chỉ là biểu tượng vươn mình trong kỷ nguyên mới của Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-16/Xay-dung-Trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-goyxeqjp.aspx