Đẩy nhanh ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo trong xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn cho một số nông sản hàng hóa chủ lực đang được tỉnh xác định là chìa khóa giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm và hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giữa tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, làm giàu và giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Đối với Lai Châu, đến thời điểm này đã đạt những kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp: hình thành vùng sản xuất tập trung với 6.603ha mắc-ca, 9.466ha chè, 8.456ha cây ăn quả, 12.944ha cây cao su. Diện tích lúa hàng hóa 3.859ha với các giống lúa đặc sản: séng cù, tẻ râu, nếp tan; 151 cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung; 1.000ha ao nuôi thủy sản. Xây dựng thành công 158 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 và 4 sao. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao; sản phẩm chế biến sâu chưa đa dạng. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân chưa quan tâm xây dựng tiêu chuẩn cho một số sản phẩm nông sản chủ lực.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Dương Đình Đức – Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Khởi điểm xây dựng các tiêu chuẩn cho một số sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Có thể kể đến việc chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo động lực thúc đẩy các cơ sở xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng. Đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu để có đủ năng lực hướng dẫn, hỗ trợ. Chưa có tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn Việt Nam cho một số sản phẩm (hạt mắc-ca, thịt động vật sấy khô, gạo thơm trắng…) làm căn cứ xác định các tiêu chí xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm”.
Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường ứng dụng công nghệ mới trong chế biến chè khô.
Quyết tâm thực hiện, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực đối với sản phẩm quốc gia, chủ lực, trọng điểm của tỉnh. Phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức triển khai hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về quy chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá. Từ đó, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức triển khai thực hiện đảm bảo quy định, quy trình. Kết quả, có trên 40 doanh nghiệp, hợp tác xã được hướng dẫn xây dựng, công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho 160 sản phẩm nông sản hàng hóa. Trên 50 lượt doanh nghiệp được hướng dẫn thực hiện đăng ký, sử dụng mã số mã vạch và ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế được đăng ký bảo hộ sở hữu và quản lý phát triển thương hiệu bằng các hình thức nhãn hiệu tập thể.
Bà Nguyễn Thị Loan – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường chia sẻ: Với sự hỗ trợ, đồng hành của các ngành, tỉnh, công ty chú trọng ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong xây dựng tiêu chuẩn cho các sản phẩm chè. Mời các tổ chức tư vấn và chuyên gia hỗ trợ kế hoạch, phương án triển khai nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước vượt qua rào cản kỹ thuật của đối tác ở nước ngoài. Hiện, công ty đang áp dụng quy trình sản xuất rất khắt khe từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đầu vào đến chế biến. Khi ra thành phẩm: trà Ô long xanh, Ô long đen, trà kim tuyên, trà cổ thụ, sencha đã đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như: Đài Loan, Ấn Độ, Afghanistan, Pakistan,… Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục đổi mới công nghệ chế biến hiện đại và dự kiến sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, ngành KH&CN phục tráng thế hệ G1 cho hai giống lúa Khẩu Lương Phửng tại huyện Phong Thổ và nếp Tan Pỏm tại huyện Than Uyên với quy mô 8.000m2. Công nhận 69 sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm như: “Chè Lai Châu”, “Đào Tam Đường”, “Mận Tam Đường”, “Lê Tam Đường”, “Gạo nếp Tan Pỏm Than Uyên” và “Gạo nếp Khẩu Lương Phửng Phong Thổ”. Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận cho “Rau dược liệu Tam Đường”, “Ớt trung đoàn” và nhãn hiệu tập thể “Hoa lan Lai Châu”.
Sở KH&CN cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN tổ chức giới thiệu tổng quan về truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc yêu cầu của quốc tế, truy xuất nguồn gốc hỗ trợ chuyển đổi số tại Lai Châu và giới thiệu “Chợ phiên vùng miền – nông, lâm, thủy sản Lai Châu” cho hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã. Tổ chức giới thiệu chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.
Những giải pháp trên đã và đang từng bước thể hiện rõ hiệu quả của quá trình ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong xây dựng các tiêu chuẩn cho một số sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh. Góp phần khẳng định thương hiệu, thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp và tạo đà xây dựng nông thôn mới của tỉnh.