Sâm Ngọc Linh được ví như báu vật của người Việt Nam, là loài sâm đặc biệt quý hiếm, chỉ trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc địa phận 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum mới đủ điều kiện về thổ nhưỡng, chất đất có nhiều vi khoáng đặc biệt cho sâm phát triển.
Nhằm bảo vệ và đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh vươn xa, tháng 8/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh cho hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Cây sâm Ngọc Linh ở trong rừng. Ảnh: Internet.
Ở tỉnh Quảng Nam, cây sâm Ngọc Linh chủ yếu trồng ở huyện Nam Trà My. Theo quy hoạch, huyện Nam Trà My có hơn 15.500 ha trồng sâm Ngọc Linh ở 7/10 xã. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Nam Trà My đã có 9/10 xã trồng sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết: Tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My cũng có cơ chế hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển cây sâm Ngọc Linh, trong đó có việc cho thuê dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ 80% vốn cho người dân trồng sâm Ngọc Linh. Hiện, trên địa bàn huyện Nam Trà My có 18 doanh nghiệp đầu tư trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh và 1 doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư để chế biến sâu các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh, như: dược liệu, dược phẩm, mỹ phẩm, nước uống… nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh.
Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ bảo tồn nguồn gen sâm ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng và phấn đấu diện tích trồng sâm đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng sâm được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Định hướng đến năm 2045, phát triển sâm trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới. Sau khi có Chương trình phát triển sâm Việt Nam, tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, phát triển cây sâm Ngọc Linh, xúc tiến, tăng cường quảng bá các sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết: Chủ trương của tỉnh Quảng Nam là phát triển thành trung tâm dược liệu của miền Trung – Tây Nguyên. Chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Người dân trồng sâm, phát triển sâm thì đồng thời với việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Sản phẩm sâm Ngọc Linh. Ảnh: Internet.
Huyện Nam Trà My thường xuyên tổ chức lễ hội sâm và các phiên chợ sâm Ngọc Linh, tạo thị trường tiêu thụ sâm, quảng bá hàng nông sản địa phương. Đây cũng là nơi để các nhà nông, doanh nghiệp, gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác. Chị Nguyễn Thị Huỳnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Huỳnh Sâm (huyện Nam Trà My), cho biết: Mỗi lần lễ hội sâm, hội chợ sâm diễn ra thì tôi mang sâm ra bán. Công ty thành lập 2016, trồng 5 ha sâm. Trồng cây sâm cần trồng độ cao từ 1.800 m – 2.000 m so với mực nước biển. Yêu cầu là phải có đất mùn mới trồng được cây sâm. Trồng tự nhiên, thời tiết mùa hè thì 10 ngày đến 1 tháng tưới cây một lần, còn mùa mưa thì không cần tưới. Sâm Ngọc Linh dùng để ngâm rượu và ngâm mật ong, lá sâm thì làm trà uống nước trà lá sâm, còn sâm củ tươi thì ăn trực tiếp. Thế giới đã công nhận sâm Ngọc Linh là loại sâm tốt nhất thế giới.