Ẩm thực là một kênh hiệu quả để tiếp thị văn hóa Việt Nam đến du khách, bạn bè thế giới. Vì vậy, Chủ tịch VCCA Nguyễn Quốc Kỳ tin tưởng, khi văn hóa ẩm thực thực sự trở thành Thương hiệu Quốc gia thì đây sẽ là kênh quảng bá hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển du lịch.
Việt Nam đã được vinh danh là điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á. (Nguồn: Bún chả Sinh Từ) |
Tại Việt Nam, văn hóa ẩm thực là một trong những đặc trưng sinh động và phong phú nhất, kết tinh thành bản sắc văn hóa Việt Nam.
Sự đặc sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam thể hiện trong việc sử dụng các nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, sự tinh tế, cầu kỳ khi dùng gia vị, giữa truyền thống và hiện đại, phong cách, triết lý phương Đông và phương Tây trong chế biến, trang trí, sắp đặt và thưởng thức món ăn.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) nhận định, trong các giá trị văn hóa thì ẩm thực có sức lan tỏa nhanh và rộng nhất.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc quảng bá văn hóa ẩm thực được thực hiện rất bài bản, như kim chi, mỳ ăn liền được quảng bá trong các tác phẩm phim của Hàn Quốc; há cảo là món ăn thường xuất hiện trong các món ăn của Trung Quốc, Sushi và sashimi, trà đạo thường có trong các tác phẩm của Nhật Bản…
Tại Việt Nam, những năm qua, thông qua các kênh truyền thông uy tín của quốc tế, có nhiều món ăn Việt Nam đã được tôn vinh, đơn cử như ẩm thực Việt Nam được kênh truyền hình của Mỹ CNN bình chọn là một trong 10 nền ẩm thực tuyệt nhất thế giới.
Cuối năm 2022, Việt Nam đã được vinh danh là điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á. Trong số 3 từ ngữ phổ thông của Việt Nam được đưa vào từ điển Oxford tiếng Anh uy tín thế giới, có 2 từ: món ăn, đó là phở và bánh mì.
Ông Kỳ cho hay: “Có thể nhiều người nước ngoài chưa từng đến Việt Nam nhưng đã có thể biết đến ẩm thực Việt Nam ở chính quê hương của họ. Ẩm thực cũng giúp mọi người hiểu hơn về Việt Nam, tạo ra sự “cạnh tranh mềm” trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia với thế giới”.
Vì vậy, Chủ tịch VCCA tin tưởng rằng, một khi văn hóa ẩm thực sự trở thành thương hiệu quốc gia thì đây sẽ là kênh quảng bá, truyền thông hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Thành viên Hội đồng cố vấn, nghệ nhân văn hóa ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh cũng nhận thấy, khi môi trường sống bị ô nhiễm nặng thì con người lại càng quan tâm đến vấn đề “ăn xanh, uống sạch” vì sức khỏe.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp và được đánh giá là có một “tủ thuốc tự nhiên” với các loại rau củ, rau gia vị đa dạng khắp các vùng miền. Do đó, bên cạnh dòng ẩm thực đa dạng, bà Hồ Đắc Thiếu Anh mong muốn, đất nước có chủ trương khám phá sâu về giá trị truyền thống dòng ẩm thực xanh để quảng bá rộng trong cộng đồng, góp phần phát triển nguồn lực nông nghiệp tươi sống, xanh, sạch, giàu dưỡng chất…
“Việt Nam có một ‘bản đồ’ ẩm thực hội đủ chất và lượng để làm nên thương hiệu ẩm thực của quốc gia”, bà nhấn mạnh.
Hiện tại, VCCA đang nỗ lực thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024”.
Theo đó, đề án sẽ thực hiện việc khảo sát, phát hiện, giới thiệu và thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Đây được xem là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế Việt Nam.
Trong khuôn khổ đề án, một số nội dung đáng chú ý như: Tổ chức Liên hoan 100 món ẩm thực đặc sắc Việt Nam, quy tụ cộng đồng nghệ nhân của 63 tỉnh, thành tham gia, nhất là TP. Hồ Chí Minh – địa phương hội tụ tinh hoa ẩm thực Việt Nam; xây dựng Thực đơn Việt Nam theo từng vùng miền hoặc các chủ đề mang tính văn hóa truyền thống, phục vụ công tác ngoại giao, trao đổi văn hóa và quảng bá du lịch vùng miền Việt Nam…
Hiện tại, Hiệp hội đang tiếp tục hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu văn hóa ẩm thực Việt Nam với mục tiêu tìm ra 1.000 món ẩm thực tiêu biểu theo các tiêu chí trên trong năm 2023. Các dữ liệu này sẽ được sử dụng để hoàn thiện “Bản đồ ẩm thực Việt Nam” vào năm 2024 và tiến tới xây dựng “Bảo tàng ẩm thực Việt Nam”.
Dự kiến, Bảo tàng sẽ được xây dựng theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng Ẩm thực thực tế phục vụ du khách tham quan trong và ngoài nước trong tương lai, góp phần đưa ẩm thực Việt Nam thành Thương hiệu Quốc gia.