Ông Trần Quang Bảo, cục trưởng Cục Lâm nghiệp, đã đặt vấn đề như vậy tại tọa đàm phát triển sâm Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 15-8.
Xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam để cùng phát triển
Theo ông Bảo, vấn đề xây dựng thương hiệu sâm ở Việt Nam hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau.
“Ở Hàn Quốc thì gọi chung là sâm Hàn Quốc. Thương hiệu của Chính phủ thì có sâm Chính phủ. Còn các vùng trồng thì có chỉ dẫn địa lý khác nhau, tuổi đời và giá thành khác nhau.
Ở Việt Nam, nếu nói đến sâm quý thì là sâm Ngọc Linh, nhưng hiện có thêm sâm Lai Châu, sâm Langbiang nữa. Vậy chúng ta nên tiếp cận việc xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam hay là theo hướng các thương hiệu khác nhau như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu?” – ông Bảo nói.
Ông Ngô Tân Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội sâm Lai Châu, cho rằng nên tiếp cận theo hướng sâm Việt Nam để xây dựng thương hiệu, quảng bá ra quốc tế.
“Nếu chúng ta cứ làm thế này thì không bao giờ xây dựng được thương hiệu sâm Việt Nam. Trong Quảng Nam, Kon Tum thì tuyên truyền, quảng cáo sâm Ngọc Linh tốt hơn, sâm Lai Châu thì không tốt bằng.
Người Nhật, Hàn đến Lai Châu thăm vườn sâm. Họ hỏi sâm Ngọc Linh là sâm gì, sâm Lai Châu là sâm gì và sâm nào là sâm Việt Nam.
Chúng ta nên xây dựng thương hiệu, tuyên truyền, quảng bá theo hướng sâm Việt Nam để cùng phát triển” – ông Hưng nói.
Ông Hưng cũng dẫn chứng việc sâm Lai Châu hiện nay không thể chế biến sâu được, vì hiện chỉ có một nghiên cứu về sâm Ngọc Linh có công dụng, liều dùng, còn sâm Lai Châu chưa có nên không ai có thể làm thực phẩm chức năng bằng sâm Lai Châu.
Do vậy, ông Hưng kiến nghị bộ ngành liên quan cần có nghiên cứu về sâm Lai Châu về công dụng, liều dùng, hoặc cần có quy định liên tịch đều công nhận sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu đều là sâm Việt Nam để phát triển chế biến sâu.
“Nếu không chế biến sâu thì 5 năm nữa, sâm củ chúng ta không biết bán cho ai. Đây cũng là vấn đề liên quan đến phát triển vùng trồng, bởi khi có chế biến sâu, tiêu thụ được sản phẩm, doanh nghiệp mới dám cam kết tiêu thụ củ sâm cho bà con” – ông Hưng nói.
Tiếp cận cây sâm theo chuỗi ngành hàng
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thái, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Thái Minh, cho rằng từ bài học của Hàn Quốc, chúng ta phải thâm canh sâm mới có thể cho năng suất cao và xây dựng thương hiệu duy nhất là sâm Việt Nam.
“Hiện nay các tỉnh, doanh nghiệp của Việt Nam đang nghiên cứu và trồng mỗi nơi một giống, truyền thông khác nhau.
Về lâu dài như vậy sẽ không định hình được thương hiệu cho sâm của Việt Nam. Nếu chúng ta không thống nhất sẽ không chỉ tốn nguồn lực mà việc trồng, chế biến, thương mại sâm không hiệu quả” – ông Thái nói thêm.
Ông Huỳnh Văn Liêm, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, cũng đồng tình với việc xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam. Còn sâm Ngọc Linh không lo bị ảnh hưởng, bởi Kon Tum cùng Quảng Nam đã xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng để chương trình phát triển sâm hiệu quả, bền vững hơn, chúng ta phải thay đổi tư duy, tiếp cận cây sâm theo chuỗi ngành hàng.
“Chúng ta thường chỉ nghĩ đến sâm là một sản phẩm đơn thuần. Nhưng không phải. Sâm phải tích hợp giá trị to lớn của một ngành hàng. Từ sâm có thể chế biến ra nhiều sản phẩm từ thực phẩm đến mỹ phẩm… Chúng ta phải chuyển từ giá trị nông nghiệp sang giá trị công nghiệp.
Chúng ta phải đa dạng hóa chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để từ một sản phẩm nhiều tiền thành các sản phẩm giá rẻ nhiều người ai cũng có thể mua được, dùng được” – ông Hoan nói.
Nhìn từ Hàn Quốc, ông Hoan đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, người dân phải có tinh thần dân tộc, phải cùng nhau xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia mang biểu tượng của đất nước.
“Trước tiên, chúng ta phải thống nhất gọi tên sản phẩm, thương hiệu là sâm Việt Nam. Sau đó mới truy xuất nguồn gốc về sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu… đưa ra thị trường để khách hàng lựa chọn mua, tiêu dùng” – ông Hoan nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/xay-dung-thuong-hieu-chung-sam-viet-nam-hay-lam-rieng-le-sam-ngoc-linh-sam-lai-chau-2024081521130652.htm