Du khách quốc tế đến Huế dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay. |
Cố đô Huế là nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn nhiều nghi lễ truyền thống văn hóa của người Việt. Chính vì vậy, khi đến Huế, du khách không thể không dừng chân tại Ðại nội để trải nghiệm việc khoác lên mình những bộ trang phục áo dài truyền thống, tham gia nghi lễ cung đình xưa được phục dựng, tái hiện một cách sống động, độc đáo. Cũng có thể tự tay mình làm ra những sản phẩm truyền thống địa phương như nón bài thơ, hoa sen giấy… để hiểu thêm về những làng nghề truyền thống đặc trưng của Cố đô Huế.
Một trong những hoạt động của chuỗi kích cầu du lịch tại Huế là các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tại Khu di sản Ðại nội Huế, phục vụ miễn phí khách tham quan.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Nguyễn Phước Hải Trung cho biết, hiện trung tâm đang thực hiện các chương trình: “Lễ đổi gác” (ở sảnh Ngọ Môn); “Âm sắc cung đình và Huế xưa” (tại sân đại triều Ðiện Thái Hòa); “Ca Huế” (tại cung Trường Sanh); và trình diễn trích đoạn tuồng cổ (tại di tích Nhật Thành Lâu)… phục vụ miễn phí du khách tham quan Khu di sản Cố đô Huế. “Chúng tôi cố gắng tạo những sản phẩm dịch vụ đặc trưng và làm mới khu di sản bằng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động trưng bày triển lãm… gắn với khu phố đêm Hoàng thành Huế với các sự kiện văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế theo định hướng Festival Huế bốn mùa”, ông Hải Trung nhấn mạnh.
Những tín hiệu khả quan từ du lịch nội địa trong năm 2022 và những tháng đầu năm nay đã và đang tạo đà cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế hồi phục mạnh mẽ. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2023, Huế đã đón hơn 160 nghìn lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Riêng dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, Thừa Thiên Huế đón gần 100 nghìn lượt khách du lịch, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 36,3 nghìn lượt khách quốc tế (tăng gấp 26 lần cùng kỳ); khách lưu trú đạt 54,4 nghìn lượt (tăng 70%); công suất sử dụng phòng đạt 85%; doanh thu trong 5 ngày nghỉ lễ đạt 153 tỷ đồng (tăng 80%)…
Những năm gần đây, Huế trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Năm 2023, du lịch Thừa Thiên Huế đề ra chỉ tiêu đón 3 đến 3,5 triệu lượt du khách. Ðể đạt được chỉ tiêu này, ngành du lịch Huế đã và đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo mang thương hiệu riêng trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng.
Theo các nhà nghiên cứu, kho tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam có gần 3.000 món ăn thì riêng Huế đã đóng góp đến 1.700 món, trong đó nhiều món ăn Huế trở thành đặc sản nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Những năm gần đây, Huế trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Năm 2023, du lịch Thừa Thiên Huế đề ra chỉ tiêu đón 3 đến 3,5 triệu lượt du khách. Ðể đạt được chỉ tiêu này, ngành du lịch Huế đã và đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo mang thương hiệu riêng trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng.
Từ năm 2012, bún bò Huế đã được chọn là một trong 12 món ăn Việt được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á. Vậy mà khi Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành “Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế” vẫn gặp những ý kiến trái chiều! Dường như, việc chậm xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm ẩm thực Huế và việc nhiều món ăn cung đình Huế không được chế biến theo đúng cách thức nguyên bản đã làm ảnh hưởng, thậm chí làm giảm giá trị dòng ẩm thực đặc trưng của Cố đô Huế.
Theo lãnh đạo ngành du lịch Thừa Thiên Huế, dù còn nhiều hạn chế, khó khăn trong xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng Huế, nhưng đã xuất hiện nhiều điểm sáng khi nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn chú trọng việc xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Huế đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Gần đây, một số sản phẩm đã được xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, chứng nhận chỉ dẫn địa lý (đúc đồng Huế; nón lá Huế; tôm chua Huế; gạo đỏ Quảng Ðiền; rau má Quảng Thọ; rượu làng Chuồn; gạo thơm Thủy Thanh; dưa hấu Vinh Lộc…) đã góp phần hình thành thương hiệu cho những sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề của Huế.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Văn Phúc cho biết, thời gian gần đây, du khách đến Huế, ngoài các chương trình tour về di sản, khám phá đầm phá hay du lịch cộng đồng, họ còn được trải nghiệm một số sản phẩm du lịch đêm, như: Phố đi bộ Nguyễn Ðình Chiểu; Ðại nội về đêm; Show áo dài Huế… Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng du lịch Thừa Thiên Huế cần củng cố, duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm đã có; đồng thời triển khai thêm những sản phẩm du lịch mới độc đáo, khác biệt thì mới cạnh tranh được với các điểm đến khác.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, xu hướng du lịch của thế giới hiện nay chuyển sang khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa riêng có và thiên nhiên độc đáo, đặc trưng của điểm đến. Chính vì vậy, Thừa Thiên Huế-với thế mạnh là đô thị di sản của Việt Nam-cần khai thác, phát huy tốt nhất các giá trị vốn có, lấy du lịch văn hóa di sản làm nòng cốt để xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, an toàn, thân thiện cho du khách trong nước và quốc tế.
Ðại nội, điểm đến làm nên thương hiệu du lịch đặc sắc của Huế. |
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, với mục tiêu xây dựng Huế trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền trung và cả nước, và xa hơn nữa là trung tâm du lịch đặc sắc của châu Á vào năm 2045, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tái cơ cấu, đổi mới để nâng cấp, hoàn thiện dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, hiện đại và đẳng cấp. Trước mắt, trong vài năm tới, tỉnh tập trung vào nhiệm vụ đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng, có đẳng cấp và sức cạnh tranh cao; trong đó, tập trung xây dựng bộ sản phẩm mang thương hiệu Huế, gồm: “Huế-Thành phố lễ hội”, “Huế-Kinh đô áo dài” và “Huế-Kinh đô ẩm thực”.
Thừa Thiên Huế tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là hệ thống đường ven biển; ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế; hình thành Khu du lịch quốc gia Lăng Cô-Cảnh Dương; khu nước khoáng nóng Thanh Tân; công viên quốc gia đầm phá Tam Giang-Cầu Hai… Cùng với đó là đầu tư hoàn thiện bến cảng chuyên đón tàu du lịch biển tại cảng Chân Mây; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài bảo đảm năng lực, chất lượng phục vụ khách du lịch và người dân; tăng tần suất bay các tuyến Huế-Hà Nội, Huế-TP Hồ Chí Minh; mở mới đường bay từ Huế đi các địa phương trong và ngoài nước…
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Thừa Thiên Huế đã xác định tập trung phát triển du lịch di sản làm nòng cốt, làm đặc trưng để xây dựng thương hiệu sản phẩm và điểm đến du lịch. Trọng tâm là tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch cả ngày và đêm ở quần thể Di tích Cố đô Huế (nhất là khu vực Ðại nội); từng bước tái hiện không gian văn hóa cung đình; khai thác sản phẩm văn hóa qua các kỳ Festival Huế như “Lễ hội áo dài”, “Ẩm thực cung đình Huế”… và một số sản phẩm đặc sắc khác; cũng như đẩy mạnh quảng bá điểm đến, liên kết với các trung tâm du lịch lớn của cả nước và các trung tâm du lịch khu vực miền trung; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Nhandan.vn