Xây dựng thôn thông minh ở xã Hồng Nam
Năm 2022, Hồng Nam trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của thành phố Hưng Yên. Không dừng lại ở đó, xã Hồng Nam đang đi đầu trong việc xây dựng thôn thông minh, những kết quả bước đầu đã khẳng định hiệu quả thiết thực đem lại cho người dân và sự phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của địa phương.
Hệ thống camera giám sát an ninh được lắp đặt tại xã Hồng Nam |
Thực hiện tiêu chí số 3 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu yêu cầu trên địa bàn xã có ít nhất một mô hình thông minh, năm 2019, xã Hồng Nam lựa chọn thôn Lê Như Hổ để triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh. Với lợi thế nằm ở khu trung tâm hành chính của xã, thôn Lê Như Hổ có 386 hộ gia đình với 1.358 nhân khẩu sinh sống tại 3 đội sản xuất gồm: Đội 1, đội 2, đội 9. Trong đó có khoảng 90% dân số trồng và kinh doanh sản phẩm đặc sản chủ lực của xã là cây nhãn. Ngoài ra, thôn còn có các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trên các lĩnh vực chế biến hàng nông sản và gia công hàng may mặc. Đây là những thuận lợi để xã chọn thôn Lê Như Hổ xây dựng điểm mô hình thôn thông minh.
Được triển khai làm điểm từ năm 2019, mô hình thôn thông minh tại thôn Lê Như Hổ đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực trong việc đưa công nghệ số vào cuộc sống, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới địa phương.
Để việc triển khai mô hình được thuận lợi, thôn đã thành lập Tổ công nghệ số gồm 30 người, chia thành 5 nhóm. Các nhóm bố trí thời gian linh hoạt, đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân cài đặt và kích hoạt nhóm zalo của thôn và cài đặt một số ứng dụng công nghệ phổ biến hiện nay như thanh toán trực tuyến, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Từ khi có nhóm zalo của thôn, mỗi khi triển khai công việc trong thôn, lãnh đạo thôn không phải tới tận nhà người dân để tìm gặp, thông báo, mà chỉ cần trao đổi trực tuyến trên nhóm zalo. Vừa không mất thời gian đi lại, người dân cũng nắm bắt được thông tin nhanh nhạy và kịp thời hơn, mặt khác có thể hỏi đáp, tương tác trực tuyến. Ông Nguyễn Duy Dương ở thôn Lê Như Hổ chia sẻ: Công nghệ số áp dụng rộng rãi giúp cộng đồng dân cư, trưởng thôn, các đoàn thể, chính quyền địa phương ngày càng gần gũi và có sự tương tác tích cực hơn, cởi mở hơn trong mọi vấn đề, công việc chung của thôn. Những tiện ích được tích hợp trên nền tảng số trở thành công cụ thiết thực giúp cho mỗi người dân, gia đình trong thôn nâng cao chất lượng cuộc sống.
Năm 2020, ngành Bưu chính Viễn thông đã triển khai thu thập thông tin dữ liệu gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số tại thành phố Hưng Yên cũng như tại xã Hồng Nam. Đến nay, 100% nhà dân ở xã Hồng Nam đã được gắn mã địa chỉ. Bên cạnh đó, tại các nơi sinh hoạt cộng đồng, các điểm công cộng ở xã được quan tâm lắp đặt hoặc xã hội hoá điểm truy cập mạng wifi miễn phí phục nhu cầu của người dân. Xã đã có hệ thống truyền thanh không dây, giúp truyền tải thông tin, văn bản, chỉ đạo của các cấp đến người dân nhanh hơn và tiện lợi hơn. Chính quyền xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, tăng tính minh bạch trong các hoạt động của xã và để phục vụ người dân trong xã tốt hơn. Việc giao tiếp với người dân, tương tác với người dân thông qua các công cụ công nghệ số cũng được nhân rộng.
Để góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giảm thiểu tai nạn, tệ nạn xã hội, xã Hồng Nam thực hiện xã hội hóa lắp đặt 20 camera giám sát an ninh dọc trục đường ĐH.72 với mức đầu tư hơn một trăm triệu đồng. Trong đó, thôn Lê Như Hổ được bố trí 8 vị trí lắp đặt camera giám sát an ninh tại các điểm ngã ba, ngã tư các trục đường giao thông.
Việc xây dựng thôn thông minh ở xã Hồng Nam đã dần đưa công nghệ số vào cuộc sống ở nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách nông thôn – thành thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với những lợi ích thiết thực mà công nghệ số mang lại, mô hình thôn thông minh ở xã Hồng Nam nhận được sự hưởng ứng, đồng tình ủng hộ của người dân trên địa bàn. Trong đó, nhiều hộ gia đình, cơ sở đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, sử dụng thành thạo giao dịch điện tử, bán hàng online… từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm, thúc đẩy giao thương, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của xã.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Hồng Nam cho biết: Thôn thông minh không chỉ là vấn đề đặt ra với nông thôn mới kiểu mẫu mà còn là xu thế phát triển tất yếu của nông thôn trong thời đại công nghệ 4.0. Thời gian tới, xã tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu và động lực, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số nhằm giúp người dân, doanh nghiệp được hưởng những lợi ích từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, từ đó tạo nguồn lực cho sự phát triển của địa phương.
Vi Ngoan