Phú Quốc là một hòn đảo nằm ngoài khơi nhưng là một đơn vị hành chính cấp thành phố với đầy đủ hệ thống hành chính, chính trị, xã hội cùng tầm vóc diện mạo, và vị thế của đặc biệt quan trọng. Việc đưa Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của cả nước không chỉ là bước ngoặt lớn tạo tiền đề sớm đưa hòn đảo được mệnh danh là “đảo ngọc” Phú Quốc không chỉ là thành trung tâm kinh tế, du lịch và dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới mà còn cho thấy tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh-quốc phòng ở các vùng biển đảo.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thành phố Phú Quốc được Chính phủ quy hoạch đến năm 2040 bao gồm toàn bộ diện tích đất tự nhiên 589,27 km2 gồm 02 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã là Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ và Thổ Châu. Về diện tích mặt biển sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án, phù hợp và thống nhất với ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển của khu vực lập quy hoạch theo quy định pháp luật. Định hướng phát triển thành phố Phú Quốc với tầm nhìn dài hạn và đáp ứng yêu cầu phát triển theo các giai đoạn quy hoạch thông qua chiến lược phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng; đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong trường hợp hình thành Khu hành chính – kinh tế đặc biệt và tách xã đảo Thổ Châu (Thổ Chu) thành huyện đảo riêng.
Với mục tiêu phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị – văn hóa; một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cùng với sự phát triển nơi đây thành đô thị biển – đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I. Là khu kinh tế có vị thế đặc biệt; trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển – đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu lịch quốc gia, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế. Là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế. Là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực, có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.
Về quy mô dân số, đất đai dự báo đến năm 2030 khoảng 400.000 người (trong đó bao gồm dân số quy đổi từ khách du lịch, lao động tạm trú… khoảng 145.000 người, đến năm 2040 khoảng 680.000 người trong đó bao gồm dân số quy đổi từ khách du lịch, lao động tạm trú… khoảng 250.000 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2030 là khoảng 8.000 – 10.000 ha; chỉ tiêu trung bình khoảng 200 – 250m2/người, quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2040 là khoảng 14.000 – 17.000 ha; chỉ tiêu trung bình khoảng 220 – 250m2/người.
Đến Phú Quốc mà bỏ qua các hòn đảo xung quanh là một điều đáng tiếc (Ảnh: Internet)
Theo đó Phú Quốc thực hiện việc bảo tồn, nâng cao và phát huy tổng thể các giá trị sinh thái biển, đảo, rừng, núi, văn hóa, lịch sử, các ngành kinh tế truyền thống… để phát triển du lịch và đô thị với quy mô và phương thức phù hợp, đảm bảo sự đặc sắc, phong phú, hiệu quả. Sử dụng tiết kiệm quỹ đất, có dự phòng cho tương lai, đảm bảo mật độ dân cư và du khách để có thể phát triển giao thông công cộng, quản lý bền vững tài nguyên rừng tự nhiên.
Quy hoạch đa dạng các không gian phát triển du lịch, dịch vụ, cũng như các sản phẩm du lịch. Trong đó, đan xen hợp lý các chức năng đô thị và chức năng du lịch cũng như các chức năng kinh tế khác để đảm bảo sự phát triển cân bằng, hiệu quả và hấp dẫn trong toàn thành phố. Đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành phần xã hội, đặc biệt là cộng đồng dân cư hiện hữu trong quá trình phát triển; chú trọng cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như kinh tế hộ gia đình, bao gồm cả các hộ gia đình đã sinh sống lâu dài, đan xen trong các không gian sinh thái nông, lâm nghiệp.
Phát huy giá trị đặc trưng và bản sắc đô thị biển đảo, nhưng phải được đánh giá đầy đủ các tác động đến môi trường sinh thái, cũng như hiệu quả phát triển…; đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành quốc gia. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại xứng đáng tầm cỡ quốc tế, đặc biệt là giao thông công cộng, quản lý nguồn nước bền vững, xử lý nước thải, rác thải, cung cấp điện,… và bảo vệ môi trường. Xác định các khu vực có tiềm năng về tự nhiên, các đặc điểm tài nguyên tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên bờ biển, tài nguyên sông suối tự nhiên, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch… có thể khai thác tạo động lực phát triển kinh tế, đô thị…xác định các tiềm năng có thể khai thác, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
Đánh giá các hoạt động sản xuất và lao động trong các ngành nghề: Du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông – lâm nghiệp, thủy sản. Nhận diện các tiềm năng, thế mạnh, các vấn đề hạn chế, khó khăn. Phân tích đánh giá về hiện trạng phát triển du lịch như lượng khách và cơ cấu khách du lịch, thị trường du lịch, sản phẩm du lịch, chất lượng hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch, tổ chức không gian phát triển du lịch…khoanh vùng bảo vệ của các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, khảo cổ… và những nguy cơ tác động tới các di sản văn hóa để đề xuất các định hướng, giải pháp quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Làm rõ hiện trạng, tác động của nước biển dâng, biến đổi khí hậu đến khu vực quy hoạch, những vấn đề về môi trường và những vùng dễ bị tác động, những khuyến cáo về tình hình ô nhiễm, suy thoái môi trường; xác định các nội dung bảo vệ môi trường mà quy hoạch cần giải quyết. Xây dựng mô hình phát triển thành phố Phú Quốc phù hợp với quan điểm và mục tiêu phát triển. Đề xuất cấu trúc không gian đô thị gắn kết chặt chẽ với tổ chức không gian phát triển du lịch, không gian bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia Phú quốc, không gian bảo tồn di tích, không gian ven biển…
Xác định vùng phát triển đô thị – du lịch, vùng bảo tồn sinh thái cảnh quan tự nhiên, vùng sinh thái nông – lâm – ngư nghiệp,…; cụ thể định hướng và nguyên tắc phát triển đối với từng vùng. Đối với khu vực có giá trị lịch sử – văn hóa tại An Thới, Dương Đông và một số khu vực yêu cầu bảo vệ kiến trúc cảnh quan khác cần đề xuất định hướng về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh phù hợp, có định hướng tôn tạo, khai thác.
Định hướng phát triển không gian du lịch trên cơ sở các đề xuất về định hướng phát triển thị trường khách du lịch, phát triển sản phẩm du lịch; định hướng các tuyến du lịch, điểm tham quan, đảm bảo tổ chức và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch độc đáo, đặc trưng trên đất liền và trên biển tại Phú Quốc. Quy hoạch đa dạng các không gian phát triển du lịch, dịch vụ cũng như các sản phẩm du lịch theo hướng hình thành các khu vực phát triển du lịch đặc trưng; nghiên cứu, tổ chức đan xen hợp lý các chức năng đô thị và chức năng du lịch để đảm bảo sự phát triển cân bằng, hiệu quả và hấp dẫn trong toàn Thành phố./.
Vương Thanh Tú