Tại họp báo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, đứng trước bài toán quy mô toàn cầu với nền báo chí truyền thông chính thống thì Việt Nam cũng như các nước ASEAN đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các phương thức truyền thông mới, cũng như sự thay đổi hoàn toàn thói quen xem thông tin và có một thế hệ người tiêu dùng thông tin mới.
Vì vậy, đây là dịp để các quốc gia tham dự hội nghị có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến và đi đến thống nhất chương trình hành động chung để ứng phó mang tính chất khu vực; khẳng định vai trò không thể thiếu, sứ mệnh quan trọng hơn bao giờ hết của báo chí truyền thông chính thống.
“ASEAN có nhiều lợi thế cũng như việc đoàn kết trong một khối, các cách làm hay cho phép chúng ta có niềm tin sẽ tìm ra lời giải, lời giải đến từ việc giải quyết tốt bài toán chuyển đổi số; báo chí truyền thông chính thống cũng như dẫn dắt, định hướng thông tin trên không gian mạng; các mô hình kinh doanh.
Để làm điều đó, chúng ta phải ngồi bàn bạc với nhau các giải pháp để xử lý tin giả, tin sai sự thật; kiểm soát cũng như hạn chế tác động tiêu cực của những công nghệ mới đưa vào lĩnh vực thông tin.
Hội nghị lần này do Việt Nam đăng cai tổ chức, có sự tham dự của 9 nước thành viên ASEAN và Timor-Leste (được mời làm quan sát viên) cùng 3 nước đối tác gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Việt Nam lựa chọn “Truyền thông: Từ Thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng” (Media: From Information to Knowledge for a Resilient and Responsive ASEAN) làm chủ đề xuyên suốt trong toàn bộ nội dung nghị sự.
Chủ đề này nêu bật vai trò, sứ mệnh của lĩnh vực truyền thông trong giai đoạn mới; đưa thông tin trở thành động lực của phát triển; không chỉ cung cấp thông tin mà còn thúc đẩy chuyển đổi từ thông tin thành tri thức, để xây dựng một ASEAN tự cường (Resilient); củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu và thích ứng (Responsive) để khẳng định vai trò, vị thế của ASEAN không chỉ hướng nội mà còn sẵn sàng ứng phó với những biến động trước tình hình thế giới hiện nay.
Nội dung chính được thảo luận tại AMRI 16 và các Hội nghị liên quan gồm xây dựng tầm nhìn định hướng về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin và báo chí truyền thông; cơ chế hợp tác của ASEAN nhằm ứng phó và xử lý tin giả, tin sai sự thật trên mạng; thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành Báo chí truyền thông; xác định cơ hội và thách thức trong ứng dụng các công nghệ hiện đại vào hoạt động của ngành Báo chí truyền thông; thúc đẩy và nâng cao hoạt động cung cấp thông tin trên toàn ASEAN và với các nước đối thoại với ASEAN.