(LĐXH) – Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực.
Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (Nghị quyết 18) và xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực; Bộ Nội vụ khẩn trương đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ.
Cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực
Đây là nhiệm vụ Chính phủ giao cho các bộ ngành, được nêu tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa ban hành. Với nhiệm vụ này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành hoàn thành trong tháng 12.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ khẩn trương đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/11.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (Nghị quyết 18) và xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực;
Giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt;
Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiệm vụ nào chưa triển khai hoặc triển khai chưa có kết quả thì phải tập trung, khẩn trương triển khai, có giải pháp xử lý kịp thời, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khơi thông các nguồn lực để phát triển.
Quán triệt quan điểm xây dựng pháp luật theo hướng vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Thực hiện hiệu quả, thực chất các công đoạn trong quy trình xây dựng, ban hành pháp luật, bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể;
Đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức thi hành pháp luật, chú trọng hướng dẫn thi hành pháp luật, bảo đảm hiểu, áp dụng pháp luật thống nhất; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Chủ động, tích cực, khẩn trương đề xuất các đề nghị xây dựng pháp luật cho những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, công nghệ mới, tạo đột phá cho phát triển đất nước.
Ưu tiên nguồn lực, xác định hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tập trung rà soát, chủ động phát hiện, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định pháp luật…
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách an sinh xã hội
Cũng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn để phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn để phục vụ chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện.
Phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác, thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước. Thực hiện quyết liệt các biện pháp thu ngân sách nhà nước năm 2024, phấn đấu vượt ít nhất thêm 15% dự toán Quốc hội giao;
Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá trốn thuế, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh ăn uống… bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu. Triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng, thiết yếu.
Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá cả theo quy định của pháp luật và phù hợp thị trường để kiểm soát, bình ổn giá cả, thị trường. Triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Khẩn trương đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả bão, lũ ngay trong tháng 11 để người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; kịp thời xuất cấp gạo để hỗ trợ cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là người dân tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Triển khai quyết liệt phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025” để đạt mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động. Tiếp tục đề xuất, triển khai các giải pháp cụ thể tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị lao động Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các địa phương chủ động rà soát nguồn vốn đã được phân bổ, nhu cầu thực tế để thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Các thành viên Chính phủ căn cứ phân công tại Quyết định số 435/ QĐ-TTg ngày 24/4/2023 đôn đốc hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát ở các địa phương…
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia; cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phát triển các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới; tập trung xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp yếu kém, tồn đọng, kéo dài.
Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường hơn nữa công tác chống lãng phí. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra…
Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết 18) đã chỉ ra thực trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Nghị quyết 18 đã chỉ ra chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp. Đặc biệt, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, thiếu đồng bộ. Trước thực tế đó, thời gian qua, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh. Kết quả đến nay trong tổ chức bộ máy, Chính phủ cho biết tại các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; Giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành. Tại các địa phương đã giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, được tiếp tục rà soát, sắp xếp lại. Tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị, còn 46.385 đơn vị. |
Huyền Minh
Báo Lao động và Xã hội số 138
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/xay-dung-phuong-an-sap-xep-bo-may-theo-huong-bo-da-nganh-da-linh-vuc-20241115092658759.htm