Công tác xây dựng và phát triển văn hoá, con người Cà Mau luôn được chú trọng nâng cao trong thời kỳ hội nhập.
Xây dựng, phát triển con người Cà Mau giàu bản sắc, hội nhập bền vững. (Nguồn: baocamau) |
Con người Cà Mau hiền hòa, chất phác
Đến Cà Mau, dường như ai cũng cảm nhận được con người nơi đây sống hiền hòa, chân thật, họ quý nhau ở cái tình, cái nghĩa. Có lẽ, do những yếu tố khắc nghiệt của thiên nhiên đã hun đúc và hình thành nên những con người Cà Mau chịu thương, chịu khó, sống chan hòa tình cảm với nhau.
Phải nói con người nơi đây cần cù chăm chỉ, trong lao động sản xuất không ngại gian khổ. Tình cảm chân thành, hết sức tự nhiên dường như đã hình thành trong bản chất của con người Cà Mau từ xưa đến nay.
Không phải ngẫu nhiên nhạc sĩ Thanh Sơn (quê Sóc Trăng) đã hết lòng khen ngợi người Cà Mau thông qua câu hát chứa chan tình cảm “Người Cà Mau dễ thương vô cùng” (Áo mới Cà Mau). Sự dễ thương và cái tình của người Cà Mau giờ đây như là một thương hiệu góp phần khẳng định Cà Mau không chỉ là một vùng đất mộc mạc, chân quê mà còn rất đỗi thân thiện và mến khách.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau khẳng định, phát triển văn hoá là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Ðảng. Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh, trật tự; đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hoá độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng…
“Chú trọng xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hoá trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, để tạo sức lan toả trong toàn xã hội”, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, Cà Mau có tiềm năng rất lớn về văn hóa, nhưng thực tế chưa khai thác được hết giá trị. Vì vậy, cần phải có cách tiếp cận mới, cách thức mới để giới thiệu về bản sắc văn hóa trong thời đại số.
Ca-nô chở khách du lịch xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. (Ảnh: Hữu Tùng) |
Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/TU, cụ thể hoá và triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng văn hoá gắn với xây dựng chính quyền và xây dựng kinh tế được thực hiện khá đồng bộ và chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người hướng đến giá trị “chân – thiện – mỹ”, nhân ái, nghĩa tình, góp phần làm phong phú đời sống vật chất và tinh thần nhân dân trong tỉnh.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tình hình kinh tế, văn hoá – xã hội tỉnh Cà Mau tiếp tục phát triển. Nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại kết quả khá toàn diện, góp phần vào sự thành công các Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.
Tỉnh Cà Mau đã làm tốt việc đưa các quy định về xây dựng con người, gia đình văn hóa vào hương ước, quy ước của khu dân cư, quan tâm giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ; mối quan hệ ứng xử tình làng, nghĩa xóm… Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước về sản xuất kinh doanh giỏi.
Mũi Cà Mau – mảnh đất thiêng liêng nơi cực Nam Tổ quốc mà mỗi người Việt Nam ai cũng ao ước một lần đặt trên đến. (Ảnh: Huỳnh Lâm) |
Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau chia sẻ, từ khi Nghị quyết số 33-NQ/TW đi vào cuộc sống, ngành đã tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ làm công tác văn hoá, phát triển phong trào văn hoá quần chúng ở cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh nỗ lực đa dạng hoá sản phẩm văn hoá, sản phẩm du lịch, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương như biển, đảo, rừng, các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng.
Đặc biệt, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, góp phần trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Cùng với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa, các địa phương, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, phản bác các luận điệu sai trái, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực từ sản phẩm văn hóa độc hại.
Nâng cao được ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết, bài trừ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước sự xâm nhập, tác động xấu của sản phẩm văn hóa độc hại; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Cà Mau phát triển toàn diện, hội nhập bền vững và giàu bản sắc.
Ông Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau cho hay, Cà Mau là mảnh đất có bản sắc văn hóa đặc trưng riêng, là vùng đất mới nhưng là nơi “địa linh, nhân kiệt”.
Từ các Nghị quyết của Đảng, tỉnh Cà Mau đã chuyển hóa thành sự thay đổi trong nhận thức, hành động và biểu hiện qua kết quả thực tiễn. Công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Cà Mau luôn được chú trọng nâng cao. Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội được quan tâm thực hiện thường xuyên. Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ được cải thiện.
Đặc biệt, quan điểm “văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” được quán triệt và nhận thức đầy đủ hơn. Người dân thực sự trở thành chủ thể văn hóa, tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh.
Dưới góc nhìn của mình, PGS. TS. Phạm Văn Linh Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ, văn hóa, xã hội, con người Cà Mau là tài nguyên quý giá, phong phú và hoàn toàn đủ khả năng trở thành nguồn lực đóng góp trực tiếp, đắc lực vào sự phát triển của địa phương.
“Cà Mau cần nhìn đúng vào những tồn tại, kịp thời tháo gỡ các vấn đề để xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội, con người theo hướng hội nhập nhưng bền vững, giàu bản sắc, hình thành những chuẩn mực và hệ giá trị tốt đẹp. Từ đó, mang lại sự thụ hưởng thực sự, thực chất và toàn diện cho đời sống nhân dân”, PGS. TS. Phạm Văn Linh gợi mở.
Nguồn: https://baoquocte.vn/xay-dung-phat-trien-con-nguoi-ca-mau-giau-ban-sac-hoi-nhap-ben-vung-297100.html