Đến nay huyện Tuy Phong đã có 6/9 xã nông thôn mới (NTM), địa phương phấn đấu đến năm 2025 nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 7 xã, có ít nhất 1 xã NTM nâng cao và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; nâng chất lượng đời sống người dân nông thôn, tạo ra nhiều mô hình sản xuất tăng thu nhập cho người dân.
Kết thúc năm 2022, huyện Tuy Phong có thêm xã Phú Lạc cơ bản đạt chuẩn xã NTM; toàn huyện đạt 128 tiêu chí xã NTM và 65 tiêu chí xã NTM nâng cao. Năm nay, địa phương không đăng ký xã đạt chuẩn NTM tập trung nâng chất lượng các tiêu chí hướng đến xây dựng NTM bền vững, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, sẽ phấn đấu đạt chuẩn thêm 7 tiêu chí của 3 xã Phong Phú, Chí Công và Phan Dũng; đối với tiêu chí xã NTM phấn đấu đạt chuẩn thêm 8 tiêu chí.
Giống nho mới hồng nhật cho năng suất cao
Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm nâng cao hiệu quả mô hình canh tác là giải pháp mà ngành nông nghiệp huyện Tuy Phong đã và đang tích cực thực hiện, qua đây góp phần tăng thu nhập cho người dân và giúp các xã nâng chất tiêu chí trong xây NTM. Trong 19 tiêu chí xây dựng xã NTM và NTM nâng cao thì tiêu chí về thu nhập của người dân ở nông thôn luôn có sự biến động theo chiều hướng tăng cao qua từng năm. Do đó, để được tái công nhận tiêu chí về thu nhập thì đòi hỏi các xã phải luôn nỗ lực trong thực hiện giải pháp giúp bà con sản xuất hiệu quả, nhằm không ngừng nâng cao nguồn thu nhập. Mặt khác, việc các xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng để được công nhận tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng xã NTM.
Trồng lúa ở xã Phú Lạc
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong: Toàn huyện duy trì diện tích cây lúa (hơn 2.100 ha/vụ). Cơ cấu cây trồng có bước chuyển biến tích cực, phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện và nhu cầu thị trường hiện nay, các loại cây trồng có lợi thế của huyện tiếp tục ổn định và phát triển. Nhất là cây táo phát triển mạnh thời gian qua, hiện nay diện tích táo khoảng 128,3 ha (tăng 42,2 ha so cuối năm 2022), hầu hết diện tích táo được trồng trong nhà lưới nên năng suất đạt khá bình quân 42 tấn/ha, tăng hiệu quả kinh tế cho thu nhập cao. Cây nho diện tích khoảng 46,9 ha, nông dân chuyển đổi đưa vào trồng một số giống nho mới nho xanh, hồng nhật thay thế cho giống nho đỏ địa phương và kết hợp với sử dụng nhà lưới trồng nho tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế cao. Một số loại cây trồng khác (củ cải đường, hành tím) phát triển ổn định.
Thời gian qua, huyện duy trì và mở rộng liên kết tiêu thụ 4 sản phẩm nông nghiệp gồm: sản phẩm nho của Doanh nghiệp tư nhân Tư Thành – xã Phước Thể; sản phẩm gạo của cơ sở xay xát lương thực Mỹ Phố và sản phẩm lúa của nhà máy xay lúa Tân Hồng Phong tại xã Phú Lạc; sản phẩm thanh long tại xã Phong Phú và Chí Công của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phong Phú và Chí Công. Từ đầu năm đến nay đã có thêm 2 HTX công nghệ cao thành lập gồm: HTX đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao Tuy Phong (viết tắt là TP.Co-op) tại xã Vĩnh Hảo và HTX nông nghiệp công nghệ cao Thiện An tại xã Phú Lạc nâng số HTX toàn huyện lên 12 HTX ở 8 xã, thị trấn. Một số mô hình liên kết các tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, tham quan tại các vườn nho xã Phước Thể bước đầu cho hiệu quả.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương tiếp tục tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp dựa trên những lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, thế mạnh của địa phương, cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.