Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp
Hưng Khánh là xã vùng cao nằm ở phía tây huyện Trấn Yên, có địa hình đồi núi cao, cách trung tâm huyện 32 km. Toàn xã có 11 thôn, dân số 1.828 hộ với 5.939 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày và Kinh.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Khánh luôn đoàn kết, cố gắng vượt qua khó khăn, phát huy những lợi thế sẵn có để đạt được kết quả vượt bậc, toàn diện.
Xã Hưng Khánh được UBND tỉnh Yên Bái công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017 và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ, chính quyền xã xác định “xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, do đó địa phương lại tiếp tục bắt tay vào hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 8/11 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tiếp tục được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một được nâng cao.
Là xã có địa hình thuận lợi để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hoá, xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với những sản phẩm chủ lực như trồng và chế biến chè xanh; trồng và chế biến măng Bát Độ, phát triển chăn nuôi hàng hoá, phát triển lâm nghiệp.
Trên địa bàn xã có mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị kinh tế và văn hóa môi trường, mô hình sản xuất chè Bát tiên gắn với văn hóa, đời sống dân tộc Tày.
Những năm qua, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã Hưng Khánh có sự chuyển biến theo hướng tích cực, phát triển toàn diện và có bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Địa phương đã quy hoạch và phát triển được các sản phẩm chủ lực của xã, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 61,76 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,34%.
Phát huy nội lực của người dân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Xác định rõ lộ trình thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, do đó địa phương đã tổ chức thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm, huy động và lồng ghép các nguồn vốn, đồng thời phát huy nội lực của người dân và điều kiện địa phương để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 làm chuyển biến rõ nét về nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân, tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, từ đó giúp môi trường sinh thái được bảo vệ; giữ vững an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Với quan điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới toàn diện, theo hướng nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả.
Huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới một cách bền vững; tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Mục tiêu đến năm 2025, xây dựng 11/11 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Anh Hoàng Trung Thông – Trưởng thôn Khe Lếch (xã Hưng Khánh) cho biết: Thôn Khe Lếch có 140 hộ dân, với 450 nhân khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm khoảng 80%, chủ yếu là người Tày.
Khe Lếch là thôn đầu tiên được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã Hưng Khánh. Đến thời điểm này, về hạ tầng đường giao thông nông thôn đã đạt khoảng 90%, cơ bản các đường ngõ ngách của thôn đều được bê tông hoá.
“Về phát triển sản xuất nông nghiệp, bà con trong thôn chủ yếu trồng lúa và trồng rừng. Trong những năm gần đây, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như cây quế.
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, tư duy của người dân đã có sự thay đổi tích cực, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao”, ông Thông nhấn mạnh.
Theo ông Trần Văn Tam – Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh: “Đến thời điểm này, xã Hưng Khánh cơ bản đạt các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu, chỉ còn vài tiêu chí nhỏ đang trong quá trình thực hiện như tiêu chí môi trường, cải cách hành chính công.
Hiện, địa phương cũng đã làm hồ sơ báo cáo với ban chỉ đạo, hội đồng thẩm định của huyện xem xét, trình hội đồng thẩm định của tỉnh để chấm và xét duyệt”.
Để đạt được những kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị luôn đi sâu đi sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện cũng như sự đồng tình hưởng ứng tích cực và quyết tâm cao của người dân.
“Trong thời gian tới, ngay cả khi đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương vẫn sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí, để chương trình nông thôn mới thực sự đi vào lòng dân”, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh khẳng định.
Nguồn: https://danviet.vn/xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-o-mot-xa-vung-cao-co-the-manh-ve-nong-nghiep-tai-yen-bai-202410102229329.htm