Từ năm 2021 đến nay, tỉnh nỗ lực huy động nhiều nguồn kinh phí thực hiện chương trình nông thôn mới, trong đó chủ yếu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Trước yêu cầu ngày càng cao của bộ tiêu chí mới, Quảng Nam cần nguồn lực lớn để thực hiện hoàn thành mục tiêu đặt ra của giai đoạn 2021 – 2025.
Nỗ lực đầu tư
Tại cuộc làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội mới đây, ông Hồ Công Điểm – Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn thông tin, với đặc thù của một huyện miền núi cao còn bộn bề khó khăn nhưng thời gian qua địa phương vẫn tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cấp trên phân bổ cho Phước Sơn thực hiện chương trình hơn 26,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 19,1 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 7,5 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn đầu tư phát triển vừa nêu, năm ngoái Phước Sơn cũng được cấp trên phân bổ hơn 5,8 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện chương trình NTM, trong đó ngân sách trung ương 190 triệu đồng và ngân sách tỉnh hơn 5,6 tỷ đồng.
Năm 2023, ngân sách trung ương hỗ trợ Phước Sơn 650 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 130 triệu đồng vốn sự nghiệp, ngân sách tỉnh hỗ trợ 11 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 4,75 tỷ đồng vốn sự nghiệp để thực hiện chương trình NTM.
Trong tổng số 193 xã tham gia xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh, đến tháng 6 năm nay Quảng Nam đã có 117 xã đạt chuẩn (chiếm 60,62%), tăng 5 xã so với năm 2020. Cuối tháng 7 vừa qua, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh tiến hành họp và bỏ phiếu thống nhất đề nghị UBND tỉnh quyết định công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn NTM năm 2022, gồm Quế Hiệp (Quế Sơn), Tiên Ngọc, Tiên Lập (Tiên Phước), Bình Quế, Bình Nam, Bình Lãnh (Thăng Bình).
Ông Hồ Công Điểm cho hay, đến nay bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của một xã trên toàn huyện Phước Sơn là 12,36 tiêu chí. Ngoài xã Phước Xuân đã đạt chuẩn NTM năm 2020 thì tới thời điểm này xã Phước Năng cũng đã đạt 15 tiêu chí và phấn đấu cuối năm nay hoàn thành 4 tiêu chí còn lại.
Phước Sơn có 7 xã nằm trong nhóm đạt 10 – 14 tiêu chí và 2 xã trong nhóm đạt dưới 10 tiêu chí là Phước Lộc, Phước Thành. Giai đoạn 2021 – 2025, Phước Sơn đặt mục tiêu có thêm 4 xã về đích NTM.
Đáng ghi nhận, nhờ lĩnh vực kinh tế phát triển, thời gian qua đời sống người dân Phước Sơn cải thiện đáng kể; đến cuối năm 2022 toàn huyện còn 2.412 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 34,67% (giảm 7,79% so với năm 2021).
Ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, đối với Quảng Nam, tổng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình NTM của Trung ương và tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 theo kế hoạch là hơn 2.206 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương gần 880 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 1.326 tỷ đồng.
Trong 2 năm 2021 – 2022 nguồn vốn đã phân bổ để thực hiện chương trình là 738 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương xấp xỉ 302,6 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hơn 435,4 tỷ đồng. Năm 2023 này, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình từ ngân sách trung ương và tỉnh gần 600 tỷ đồng và đến nay đã phân bổ xấp xỉ 579 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 96%…
Cần nguồn lực lớn
Ông Hồ Công Điểm nhìn nhận, đa số xã trên địa bàn huyện Phước Sơn đều có điểm xuất phát thấp, hạ tầng thiếu đồng bộ, nguồn lực trong nhân dân còn rất hạn chế nên quá trình triển khai chương trình NTM gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, khi áp dụng bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 – 2025 với nhiều chỉ tiêu theo hướng nâng cao và toàn diện hơn thì dẫn đến tình trạng rất nhiều xã bị rớt tiêu chí. Do đó, để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2025 có thêm 4 xã về đích NTM đối với Phước Sơn là chuyện không dễ.
Hiện nay, xã đặc biệt khó khăn thực hiện chương trình NTM theo tiêu chí của khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, khi được công nhận đạt chuẩn NTM thì phải duy trì chuẩn theo tiêu chí của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với yêu cầu cao hơn. Vấn đề này rất khó khăn đối với các xã ở miền núi cao và nhiều khả năng sẽ không thể duy trì chuẩn NTM.
Trước tình hình đó, Phước Sơn kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét cho xã thuộc huyện nghèo khi đạt chuẩn NTM tiếp tục duy trì theo tiêu chí của khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
Lãnh đạo huyện Phước Sơn cũng đề xuất UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí ngân sách tỉnh cho nhóm xã vùng cao (gồm Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim) để duy trì chất lượng tiêu chí NTM đã đạt và phấn đấu đạt 15 tiêu chí đến năm 2025.
Số liệu tổng hợp từ Văn phòng điều phối NTM tỉnh, trong số 117 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010 – 2021, khi đánh giá theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 – 2025 thì có 104 xã không duy trì chuẩn.
Đáng quan tâm là hiện nay những xã chưa đạt chuẩn NTM hầu hết là các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn ở khu vực trung du – miền núi. Trong khi đó, giai đoạn 2021- 2025 ngân sách trung ương phân bổ cho tỉnh thực hiện chương trình NTM lại giảm gần 60% so với giai đoạn trước. Do đó, Quảng Nam rất khó hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 80% số xã đạt chuẩn NTM.
Từ thực tế trên, Quảng Nam kiến nghị Trung ương xem xét bố trí đủ nguồn lực tài chính để tỉnh lồng ghép thực hiện hiệu quả chương trình NTM và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các cấp tập trung rà soát, cân đối bố trí đủ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…