(MPI) – Để đảm bảo thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu dự kiến thông qua từ ngày có hiệu lực thi hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu dự kiến thông qua nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Trong đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sửa đổi một số nội dung về lĩnh vực và hình thức hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP; bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này; bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng đối với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất đầu tư xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.
Đồng thời, sủa đổi, bổ sung về cơ chế tài chính đối với dự án PPP; quy trình, thủ tục thực hiện dự án PPP; phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp; làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; bổ sung các nguồn vốn thanh toán để chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp dự án PPP và xác định thứ tự ưu tiên khi sử dụng các nguồn vốn này, gồm: dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước dành cho chi đầu tư phát triển…
Để đảm bảo thi hành Luật từ ngày có hiệu lực thi hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) quy định về Hội đồng thẩm định dự án PPP; các nội dung trong chuẩn bị dự án PPP, dự án áp dụng loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP; xác nhận hoàn thành và chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; chấm dứt hợp đồng dự án PPP; xử lý tình huống, xử lý vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thành lập, tổ chức hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành; chi phí thẩm tra và thẩm định; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; thời gian và hồ sơ thẩm định chủ trương đầu tư dự án; nội dung thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư công trong dự án PPP; quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP; thời gian và hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; phê duyệt dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất; ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư; chi phí trong lựa chọn nhà đầu tư; tỷ lệ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án PPP;…
Theo đó, về thành lập, tổ chức hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành, Dự thảo quy định: Hội đồng thẩm định liên ngành do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định thành lập theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật PPP.
Dự thảo bổ sung Điều 28a về lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án áp dụng loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán. Theo đó, Dự án áp dụng loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán do nhà đầu tư đề xuất phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 14 và khoản 3 Điều 20 của Luật PPP; Không trùng với dự án PPP đang được cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đã chấp thuận nhà đầu tư khác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Trình tự đề xuất, thẩm định, phê duyệt dự án: Nhà đầu tư gửi văn bản đề xuất thực hiện dự án đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật PPP. Trường hợp chưa xác định được cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư liên hệ cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP tại địa phương có địa bàn thực hiện dự án để được hướng dẫn. Trường hợp sau khi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước nhưng vẫn không xác định được cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư liên hệ cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP tại trung ương.
Cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lời bằng văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận việc nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi và dự thảo hợp đồng. Nội dung văn bản chấp thuận bao gồm: tên nhà đầu tư, thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ đề xuất dự án; cơ quan, đơn vị chủ trì tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án, thực hiện thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt dự án; cách thức phối hợp với các tổ chức, đơn vị thuộc cơ quan có thẩm quyền và nội dung khác có liên quan. Trường hợp không chấp thuận thì nêu rõ lý do.
Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án bao gồm: báo cáo nghiên cứu khả thi, dự thảo hợp đồng, hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và gửi hồ sơ đề xuất dự án đến cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận thì nhà đầu tư chịu mọi chi phí, rủi ro.
Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định hồ sơ đề xuất dự án theo quy định tại Điều 20 của Luật PPP và Mẫu số 016 Phụ lục III kèm theo Nghị định này.
Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án kèm theo dự thảo hợp đồng theo quy định tại Điều 23 của Luật PPP và Mẫu số 03 Phụ lục III kèm theo Nghị định này, tổ chức công bố thông tin dự án theo quy định tại Điều 25 của Luật PPP.
Về đối tượng được hưởng ưu đãi và mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP (Điều 30), Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định như sau: Nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được hưởng mức ưu đãi 5% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.
Nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất dự án được chấp thuận, nhà đầu tư có cam kết sử dụng nhà thầu trong nước tham gia thực hiện dự án với giá trị công việc chiếm tỷ lệ từ 25% tổng mức đầu tư của dự án trở lên được hưởng mức ưu đãi 3% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.
Nhà đầu tư khi tham gia lựa chọn nhà đầu tư quốc tế có cam kết sử dụng hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước để thực hiện dự án với giá trị chiếm tỷ lệ từ 25% tổng mức đầu tư của dự án trở lên được hưởng mức ưu đãi 2% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.
Nhà đầu tư cam kết chuyển giao công nghệ, thực hiện hoạt động công nghệ cao đối với các công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của pháp luật về công nghệ cao hoặc thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ được hưởng mức ưu đãi 2% khi đánh giá hồ sơ dự thầu./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-26/Xay-dung-Nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua7cffwc.aspx