(MPI) – Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 về việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo Tờ trình số 10815/TTr-BKHĐT về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 (Luật Đầu tư công 2024) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 29/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 của Luật Đầu tư công 2024, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (Luật Đầu tư công 2019) cũng sẽ hết hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công cũng sẽ hết hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Do đó, cần khẩn trương xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 40/2020/NĐ-CP nhằm tránh tạo khoảng trống pháp lý khi Luật Đầu tư công năm 2024 có hiệu lực, tạo điều kiện cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, nhiệm vụ, dự án và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Tại Quyết định số 1610/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 02 Nghị định quy định chi tiết các điều, khoản được Luật Đầu tư công năm 2024 giao Chính phủ quy định chi tiết, trong đó: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công quy định chi tiết 20 khoản; Nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (vốn ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài quy định chi tiết 11 khoản.
Dự thảo Nghị định được thiết kế để quy định chi tiết 22 khoản Luật Đầu tư công 2024 giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm kế thừa, tiếp nối hiệu lực và sửa đổi phù hợp các quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, tránh tạo khoảng trống pháp lý trong triển khai thực hiện; Bổ sung quy định chi tiết đối với một số đối tượng điều chỉnh mới phát sinh trong Luật Đầu tư công 2024 so với Luật Đầu tư công 2019.
Dự thảo Nghị định được xây dựng trên các quan điểm bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với Luật Đầu tư công, chỉ quy định chi tiết thi hành các điều, khoản Luật giao Chính phủ và thuộc phạm vi của Nghị định; Kế thừa, tiếp nối hiệu lực pháp lý, sửa đổi phù hợp các quy định hiện hành tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP.
Các nội dung quy định trong dự thảo Nghị định bảo đảm rõ ràng, không chồng chéo, trùng lắp và không mâu thuẫn với quy định của các Luật, Nghị định khác; đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch và khả thi để triển khai thực hiện.
Dự thảo Nghị định về cơ bản đã tiếp thu, kế thừa các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, đang được triển khai ổn định trong thời gian vừa qua về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư đối với đối tượng cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khác theo quyết định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Phân cấp thẩm quyền, trình tự, thu tục quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của cơ quan, đơn vị; Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C tại nước ngoài.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục, nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án; Phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư; Nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công tại nước ngoài; Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh chương trình, dự án; Hồ sơ quyết định chương trình, dự án, nội dung, thời gian thẩm định, quyết định chương trình, dự án.
Lập, thẩm đinh, phê duyệt, giao kế hoạch trung hạn và hằng năm vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư; Báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công; Triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công; Trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước; Theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch đầu tư công; Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công.
Đối với một số nội dung, dự thảo Nghị định đã có sự bổ sung, điều chỉnh, đơn giản hóa so với Nghị định số 40/2020/NĐ-CP về bổ sung các khái niệm về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh (Điều 3) nhằm thống nhất về khái niệm trong triển khai, đồng thời đơn giản hóa việc thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư chương trình, dự án theo hướng chỉ thẩm định những nội dung đề xuất điều chỉnh.
Bổ sung quy định cho phép người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương được phép phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư đối với dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước thuộc cấp mình quản lý cho cơ quan nhà nước đó (Điều 16), tương tự như đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Bỏ quy định về việc gia hạn thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án nhằm thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng và để tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc thực hiện chương trình, dự án đầu tư công.
Bỏ một số quy định điều chỉnh đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài để phù hợp với phạm vi của Nghị định theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Các nội dung này sẽ được nghiên cứu để quy định thống nhất trong Nghị định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Bỏ nội dung về việc cắt giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương của Bộ, cơ quan, địa phương tương ứng đối với phần vốn không giải ngân hết, không được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc bố trí đủ vốn trong kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương các năm tiếp theo để hoàn thành nhiệm vụ, dự án đúng tiến độ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản (Điều 50).
Bỏ nội dung về ứng trước kế hoạch vốn hằng năm do không cần thiết và Luật không giao Chính phủ quy định chi tiết. Việc thực hiện nội dung này căn cứ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Đơn giản hóa nội dung về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, chỉ quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, cốt lõi để bảo đảm các điều kiện triển khai Hệ thống đồng bộ, hiệu quả. Đối với các nội dung về trình tự, thủ tục cần thực hiện cụ thể ữên Hệ thống sẽ được quy định tại Thông tư.
Dự thảo Nghị định đồng thời đã cụ thể hóa 10 nội dung mới phát sinh, được Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn để ủy thác thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 5); Phân loại dự án đầu tư công (Điều 13); Ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công (Điều 4); Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có sử dụng vốn ngân sách địa phương do cơ quan trung ương thực hiện, dự án có sử dụng vốn ngân sách cấp huyện, cấp xã do cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện (Điều 10); Các trường hợp dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án và trình tự, thủ tục thực hiện (Điều 15); Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án (Điều 49); Trình tự lập, phê duyệt, giao ké hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước (Điều 47); Trình tự lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước (Điều 48); Quản lý thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng (Chương IV); Quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch trung hạn liên tiếp (Điều 6)./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-3/Xay-dung-Nghi-dinh-cua-Chinh-phu-quy-dinh-chi-tiet02m7kp.aspx