Xây dựng kinh tế tuần hoàn (KTTH) được xác định là một trong những định hướng phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030. Đây cũng là một trong những nội dung được trình bày tại buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 hướng tới phát triển ở tỉnh Bình Dương” vừa diễn ra.
Với định hướng, khuyến khích của tỉnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để phát triển bền vững, gia tăng giá trị
Không đánh đổi môi trường
KTTH, tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu của toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Trong những năm qua, Bình Dương đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với môi trường. Đặc biệt, tỉnh nhất quán phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường và thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng.
Điển hình, một số mô hình KTTH trong các ngành, lĩnh vực đã được triển khai trên địa bàn tỉnh là tại Khu công nghiệp VSIP III, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Với mục tiêu không khí thải carbon, tác động tích cực đến môi trường sẽ góp phần vào chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh. Tương tự, nhà máy bia AB InBev (VSIP II-A) cũng đã vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, sản xuất được 840.600kWh/năm, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện đang sử dụng mỗi năm. Ngoài ra, Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), gồm: Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), khu NNCNC tại xã Tân Hiệp và xã Phước Sang (huyện Phú Giáo), khu NNCNC tại phường Vĩnh Tân (TP.Tân Uyên) và An Thái (huyện Phú Giáo) tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ được hệ sinh thái và phát triển bền vững. Tỉnh cũng phối hợp xây dựng bản đồ vùng trồng, gắn với các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Trong lĩnh vực môi trường, tỉnh đã đầu tư nhà máy sản xuất phân Compost với công suất 1.680 tấn/ngày để tái chế chất thải sinh hoạt, xây dựng nhà máy đốt rác thải phát điện với công suất 4,6MW (200 tấn rác thải/ngày); hệ thống thu hồi nhiệt từ lò đốt chất thải để phát điện với công suất 9,6MW; hệ thống thu hồi nhiệt từ các hố chôn lấp với công suất 1.600KVA; xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải đô thị. Các doanh nghiệp đều chấp hành quy định pháp luật và đầu tư công trình xử lý chất thải trước khi đi vào hoạt động.
Đẩy mạnh các giải pháp
Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, việc phát triển các mô hình KTTH còn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa được nhân rộng trên toàn tỉnh, còn gặp không ít khó khăn. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, KTTH phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến và tinh thần sáng tạo, nhưng nguồn lực còn thiếu. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính yếu, có công nghệ thấp, nhiều doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài, bền vững.
Bên cạnh đó, khái niệm KTTH còn khá mới mẻ và chưa được bổ sung, tích hợp một cách bài bản trong các quy hoạch, kế hoạch hiện có; chưa huy động tối đa sự tham gia của người dân, khu vực tư nhân vào các hoạt động quản lý chất thải, thị trường dịch vụ môi trường chưa phát triển. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tín dụng xanh để đầu tư chuyển đổi dây chuyền sản xuất sang công nghệ xanh, thân thiện với môi trường còn hạn chế, đòi hỏi nhiều thủ tục, thời gian…
Bình Dương đã đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh mô hình KTTH với nền kinh tế carbon thấp, đáp ứng định hướng phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, tỉnh tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, pháp luật do Trung ương ban hành; tăng cường tuyên truyền để nâng cao, thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về phát triển KTTH; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng, mặt nước; kiểm soát ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, sự cố môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản; quản lý hành lang bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; thường xuyên thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tăng cường các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực BVMT, tập trung nguồn vốn cho phát triển KTTH; tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện.
Nhiều chỉ tiêu về BVMT giai đoạn 2020-2025 đã đạt như: 100% các dự án đầu tư mới trước khi đi vào hoạt động có hệ thống xử lý chất thải và BVMT; 100% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; 100% các khu dân cư, khu nhà ở mới xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo đúng hồ sơ môi trường được phê duyệt; 98,4% chất thải rắn sinh hoạt và 100% chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý…
TIẾN HẠNH