Xây dựng một tương lai cho phụ nữ trong khoa học

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam12/02/2025


Để giải quyết những thách thức lớn được nêu trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, cần khai thác mọi tiềm năng, trong đó có tiềm năng của phụ nữ trong khoa học. Theo các nhà phân tích, việc đảm bảo đa dạng giới, mở rộng nhóm các nhà nghiên cứu tài năng sẽ mang lại góc nhìn mới và sự sáng tạo.

Vẫn tồn tại khoảng cách giới trong STEM

Mặc dù các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) được coi là quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia nhưng khoảng cách giới vẫn tồn tại ở mọi cấp độ của các ngành STEM. 

Trung bình phụ nữ chiếm khoảng 29% lực lượng lao động STEM trong số 146 quốc gia được đánh giá trong "Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu" của Liên hợp quốc. Con số này ở các ngành phi STEM là 49%. Thu nhập của phụ nữ trong lĩnh vực STEM ít hơn nam giới khoảng 15%-30%.

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), một nhân sự làm việc trong lĩnh vực STEM có thu nhập cao hơn khoảng 2/3 so với người làm ở lĩnh vực khác. Đáng chú ý, một số nghề STEM có mức lương cao như khoa học máy tính và kỹ thuật lại có tỷ lệ phụ nữ tham gia rất thấp. 

Cuộc khảo sát Global STEM Salary Survey cũng cho thấy, vẫn tồn tại khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ trong lĩnh vực STEM tại châu Âu và Bắc Mỹ. Thực tế này đáng lo ngại vì phụ nữ trong cùng lĩnh vực và cùng vị trí làm việc hoàn toàn xứng đáng được trả mức lương ngang bằng với nam giới.

Mặc dù phụ nữ hiện diện ngày càng nhiều ở bậc giáo dục đại học nhưng họ chỉ chiếm 28% số sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật; 40% số sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính và tin học. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến khoảng cách này là định kiến cho rằng "STEM là lĩnh vực nam giới thống trị". Điều này khiến nhiều bé gái và phụ nữ do dự, thậm chí nản lòng khi theo đuổi giáo dục và sự nghiệp trong lĩnh vực STEM. 

Xây dựng một tương lai cho phụ nữ trong khoa học- Ảnh 1.

Khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái theo đuổi STEM

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nữ có xu hướng có sự nghiệp ngắn hơn và lương ít hơn so với nam giới. Công trình của họ không được đại diện đầy đủ trên các tạp chí uy tín và họ thường ít có cơ hội thăng tiến. Phụ nữ thường được cấp các khoản tài trợ nghiên cứu ít hơn so với các đồng nghiệp nam. 

Mặc dù chiếm 33,3% tổng số các nhà nghiên cứu, chỉ có 12% thành viên của các viện hàn lâm khoa học quốc gia là nữ. Trong các lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, chỉ có 1/5 số chuyên gia (tương đương 22%) là phụ nữ.

Niềm hy vọng cho tương lai

Khoa học trong thế kỷ 21 là năng động, hợp tác và đa dạng. Đây là công cụ mạnh mẽ để giải quyết các thách thức toàn cầu và mở ra cánh cửa cho các sự nghiệp vượt xa phòng thí nghiệm. Ngành khoa học cần mang lại nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ. 

Một phần giải pháp đòi hỏi các công ty phải cân nhắc kỹ hơn đến những ứng viên nữ đủ tiêu chuẩn - nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi được thực trạng hiện tại. Bên cạnh đó, các công ty cũng cần cung cấp chính sách hỗ trợ dành cho nhân viên nữ, để họ có cơ hội phát triển cả về cá nhân lẫn chuyên môn. 

Tuyển dụng chỉ là bước đầu, việc giữ chân, mở rộng cơ hội đào tạo, thăng tiến mới là những yếu tố quan trọng. Đảm bảo bình đẳng giới tại nơi làm việc không chỉ là việc cần làm mà còn giúp doanh nghiệp hưởng lợi. 

Xây dựng một tương lai cho phụ nữ trong khoa học- Ảnh 2.

Lydia Charles Moyo, doanh nhân người Tanzania, được trao Giải thưởng Global Citizen 2024

Theo một báo cáo của McKinsey, các công ty thuộc nhóm 25% dẫn đầu về đa dạng giới có khả năng đạt lợi nhuận cao hơn trung vị ngành ở cấp quốc gia của họ đến 15%.

Lĩnh vực STEM đang có những cải thiện nhất định về môi trường làm việc cho phụ nữ như chế độ làm việc linh hoạt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm để mang đến cơ hội và quyền tiếp cận bình đẳng cho phụ nữ ở mọi độ tuổi, từ bậc tiểu học, trung học đến lao động nữ mới gia nhập thị trường lao động và cả những người đang làm việc trong lĩnh vực STEM.

Các chương trình hỗ trợ chuyên biệt và cố vấn sẽ đóng vai trò then chốt để thúc đẩy sự thay đổi và xóa bỏ các rào cản giới hiện tại. Việc những phụ nữ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực STEM sẵn sàng trở thành người cố vấn và chủ động giúp đỡ thế hệ kế cận càng trở nên quan trọng hơn. 

Bên cạnh vai trò cố vấn của thế hệ đi trước, chúng ta cũng cần ghi nhớ tầm quan trọng của góc nhìn đa dạng (từ nam hay nữ) để giúp chị em phát triển.

Tại châu Phi, ngày càng có nhiều nỗ lực ưu tiên đầu tư vào giáo dục STEM dành cho trẻ em gái - đối tượng vẫn đang thiếu đại diện trong lĩnh vực này. Một ví dụ điển hình là Lydia Charles Moyo, doanh nhân người Tanzania, với tổ chức phi chính phủ Her Initiative chuyên thúc đẩy trao quyền cho trẻ em gái thông qua công nghệ. 

Thành lập năm 2019, tổ chức này cung cấp giáo dục và kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp và việc làm, đồng thời tận dụng công nghệ để thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực kỹ thuật số tại Tanzania. 

Sáng kiến của cô Moyo không chỉ định hình cách giải quyết tình trạng thiếu đại diện của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực STEM mà còn góp phần thúc đẩy hòa nhập số và phát triển các chiến lược lồng ghép công nghệ với mục tiêu bình đẳng giới tại Tanzania.

Công việc của cô Moyo đã được công nhận ở cấp quốc gia lẫn quốc tế. Tháng 4/2024, Moyo được trao Giải thưởng Global Citizen 2024 vì những đóng góp thúc đẩy quyền năng kinh tế cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ. 

Đến tháng 6/2024, cô Moyo tiếp tục giành Giải thưởng KBF Africa 2023-2024 (bởi Quỹ Vua Baudouin), ghi nhận nỗ lực của Her Initiative trong việc khai mở tiềm năng kinh tế cho phụ nữ, giải quyết cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở thanh niên và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực châu Phi hạ Sahara.

Ngày Quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong Khoa học (11/2) năm nay tôn vinh vai trò của phụ nữ trong khoa học và những đóng góp của lực lượng quan trọng này đối với phát triển bền vững. Chủ đề này nhằm nêu bật vai trò quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, công nghệ; hỗ trợ các cơ hội để tăng cường sự tham gia của họ. Hiện nay, khoa học và bình đẳng giới đều rất quan trọng để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đã được quốc tế thống nhất, bao gồm Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

Nguồn: Technology Networks, sdg.iisd.org



Nguồn: https://phunuvietnam.vn/xay-dung-mot-tuong-lai-cho-phu-nu-trong-khoa-hoc-20250212110528324.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available