Theo đại diện Bộ TT-TT tại hội thảo, sau 6 năm thực hiện luật Báo chí 2016, cơ quan này đã ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập, do luật Báo chí không theo kịp với sự đổi mới về khoa học và công nghệ thông tin trong thời kỳ kỷ nguyên số. Qua rà soát của Bộ TT-TT, có 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập do luật Báo chí không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề này cho thấy việc sửa đổi, bổ sung luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết.
Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) Nguyễn Văn Hiếu cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ, ngày càng sinh ra nhiều loại hình truyền thông mới, nên xem xét xây dựng mô hình tổ hợp truyền thông báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước. Trong tổ hợp có nhiều cơ quan báo chí, nhà xuất bản, hoạt động đa loại hình nền tảng, đa dịch vụ… Người đứng đầu cơ quan này sẽ là “chủ bút”, “chủ báo”. Đối với các cơ quan chủ quản có nhiều cơ quan báo chí như TP.Hà Nội, TP.HCM, T.Ư Đoàn muốn giữ thương hiệu cơ quan báo chí lớn, có uy tín, có vai trò dẫn dắt dư luận, đây cũng là hướng đi để hình thành những cơ quan báo chí lớn của đất nước và tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.
Trong tham luận gửi đến hội thảo, nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, đề nghị có thể thí điểm các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số để tăng cường nguồn lực cho các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu về tốc độ và tính linh hoạt của chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm đánh giá trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của luật Báo chí đã bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí. Bộ TT-TT sẽ tổng hợp những ý kiến để lập đề nghị trình Chính phủ xin ý kiến về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong luật Báo chí năm 2016.