Theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật Dữ liệu hết sức quan trọng, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ trong công tác chuyển đổi số, thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Luật Dữ liệu để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và người dân.
Nhiều cơ sở dữ liệu thu thập, lưu trữ trùng lặp gây khó khăn khi chia sẻ, khai thác
Theo Bộ Công an, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân). Qua đó tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội.
Ở Việt Nam, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực như khởi tạo, hình thành được 7 cơ sở dữ liệu quốc gia. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ.
Đồng thời, nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu.
Các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống…
Ngoài ra, nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Từ đó, Bộ Công an cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay.
“Thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin”
Bộ Công an cho biết hiện có 69 luật và hồ sơ đề nghị xây dựng luật có nội dung liên quan đến dữ liệu.
Tuy nhiên, tất cả các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu (như việc thu thập, số hóa, bảo đảm chất lượng, lưu trữ dữ liệu…).
Các luật này cũng chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu, chưa quy định việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành…
Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay có vai trò rất quan trọng.
Đây được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.
“Do vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ trong công tác chuyển đổi số.
Đồng thời, tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế – xã hội, thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin”, dự thảo Luật Dữ liệu nêu.
Theo Bộ Công an, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm cung cấp hạ tầng phục vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia giúp phát triển Chính phủ số.
Đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch, gia tăng sự hài lòng của người dân với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.
Hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu tổng hợp, kho dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng…
Tương tự, Trung tâm dữ liệu quốc gia khi đưa vào triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế – xã hội… Từ đó, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.
Theo dự thảo của Bộ Công an, Luật Dữ liệu được xây dựng gồm 7 chương, quy định về các nội dung như đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc chung, các hành vi bị nghiêm cấm.
Bên cạnh đó còn có xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu quốc gia; hợp tác quốc tế về dữ liệu. Các chính sách về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia, sản phẩm và dịch vụ về dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/xay-dung-luat-du-lieu-de-that-chat-quan-ly-du-lieu-ca-nhan-dam-bao-an-toan-thong-tin-20240705143749541.htm