Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo pháp luật TP. Hồ Chí Minh, chủ trì phiên thảo luận. Diễn giả bao gồm: nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên; nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập Báo Dân trí; nhà báo Dương Văn Quang, phó tổng biên tập Báo Người Lao Động; ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam; bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhà báo Huỳnh Thị Hoàng Lan, Phó Trưởng Ban Ca nhạc – HTV…
Báo chí bị vi phạm bản quyền dẫn đến suy yếu về kinh tế
Phát biểu khai mạc phiên họp, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo pháp luật TP. Hồ Chí Minh cho biết: Theo định hướng phát triển, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số. Để thực hiện tốt chiến lược này, một trong những thách thức lớn với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số. Nếu không bảo vệ được bản quyền báo chí, không thể khuyến khích nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào phát triển nội dung.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, bảo vệ bản quyền báo chí còn giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc. Bảo vệ bản quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay.
Tuy nhiên vẫn còn những bất cập và phân tán trong việc phân định quyền quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và thiếu sự thống nhất cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng. Ngoài ra, sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm báo chí hiện nay còn chưa nghiêm. Và ở góc độ chủ thể và người sáng tạo nội dung, các nhà báo và cơ quan báo chí cũng còn lúng túng và chưa thật sự quyết liệt trong bảo vệ quyền lợi của mình.
Đánh giá về vấn đề vi phạm bản quyền hiện nay, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên cho rằng: Vấn đề vi phạm bản quyền hình thành một vòng luẩn quẩn, đó là báo chí bị vi phạm bản quyền dẫn đến suy yếu về kinh tế, từ đó phải chạy theo thị hiếu cơ bản của bạn đọc và phụ thuộc thêm vào quảng cáo, dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư cho báo chí chất lượng.
Hệ quả là hầu hết các cơ quan báo chí đều chạy một hướng dễ dãi, dẫn đến nhu cầu bảo vệ bản quyền trở nên “không cần thiết”. Bởi cần gì bản quyền nữa nếu các báo và tạp chí đều cùng cung cấp những tin tức cơ bản một màu như nhau, và hơn kém chỉ là cách giật tít sao cho tăng được view?
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn kiến nghị: chúng ta cần nghiên cứu hình thành được một liên minh bản quyền báo chí? Một liên minh của tất cả các cơ quan báo chí để hiệu lực thực tế của nó mang tính bao trùm. Đây liên minh giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí – truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí – truyền thông.
“Liên minh phải thống nhất được những “luật chơi” có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền “bảo chứng” cũng như đứng ra làm “trọng tài” phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài. Ngoài ra, cần phát huy tính chất “hiệp hội” của liên minh để một số chế tài không nhất thiết thông qua cơ quan quản lý nhà nước mà vẫn đạt được hiệu quả răn đe” nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ.
Không tạo thành một thói quen trong việc vi phạm bản quyền
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả cho biết, sản phẩm báo chí ở Việt Nam là đối tượng được bảo hộ bản quyền theo Luật Sở hữu trí tuệ, thậm chí được bảo vệ ở tất cả các nước trên thế giới (Việt Nam là một trong các thành viên tham gia một số công ước). Công nghệ 4.0 có nhiều lợi ích, tạo ra nhiều cơ hội trong việc tiếp cận sản phẩm báo chí. Nhưng nó cũng tạo ra những thách thức cho chủ sở hữu có các tác phẩm báo chí.
Bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh, “câu hỏi đặt ra là chúng ta, mỗi người làm báo đã tôn trọng quyền của những người khác chưa? Chúng ta có tôn trọng khi lấy nội dung tác phẩm báo chí khác ghi rõ nguồn hay chưa? Đây là gợi ý mà tôi nghĩ các tòa soạn cần rà soát trong quá trình thực hiện”.
“Các mạng xã hội lấy sản phẩm báo chí của chúng ta, nhưng trước tiên tôi thấy rằng bản thân các anh chị báo chí chúng ta cũng cần tôn trọng, phải tạo ra những sản phẩm sạch cho riêng mình… Mỗi người làm báo muốn tác phẩm báo chí của mình được bảo vệ, điều đầu tiên cần thực hiện các quy định mà pháp luật đã được ban hành, nếu xuề xoà, nghĩ rằng chỉ là báo nọ lấy của báo kia, cho rằng tất cả cũng là đồng nghiệp. Tuy nhiên nếu chúng ta không làm nó sẽ thành một thói quen trong việc vi phạm bản quyền mà không bị xử lý gì hết, tôi mong rằng sau Hội Báo lần này chúng ta sẽ làm mạnh mẽ hơn” Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả chia sẻ thêm.
Nói về vấn đề vi phạm bản quyền báo chí trên các nền tảng mạng xã hội, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập Báo Dân trí cho biết: Nhiều fanpage như Không Sợ Chó, Theanh28… có số lượng người đăng ký lớn, sử dụng nội dung, hình ảnh của các bài báo Dân trí và nhiều tờ báo khác để đăng tải nhằm kéo lượt xem, tương tác, từ đó khai thác quảng cáo, thu lợi nhuận mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào.
Hành vi vi phạm đã phát triển theo hướng tinh vi hơn, đặc biệt trên các nền tảng sử dụng video ngắn như Tiktok, Facebook Reels và Youtube. Những đối tượng này thay vì dẫn lại toàn bộ thì trích dẫn, đăng tải một phần nội dung. Rất nhiều trường hợp, khi phóng viên hoặc người có trách nhiệm của báo liên hệ nhắc nhở, họ lập tức chặn– cắt liên hệ, để người có trách nhiệm không thể phản hồi, tố cáo sai phạm.
Chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện những giải pháp bảo vệ bản quyền ở cơ quan mình, nhà báo Phạm Tuấn Anh chia sẻ: Cần chủ động đấu tranh công khai, trực diện các cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm bản quyền trên báo chí Ủy quyền cho bên thứ 3 (luật sư, tổ chức hành nghề luật, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được cấp phép) nhằm bảo vệ quyền lợi của mình theo cách chuyên nghiệp nhất.
Ngoài ra, cũng nên hình thành trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí có sự tham gia của các bên báo chí, công nghệ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Cần mạnh tay sử dụng công cụ pháp lý
Tại phiên thảo luận, nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập báo Người Lao Động cho biết, báo đã giăng “ăng-ten” khắp nơi để nắm bắt được các trường hợp tác phẩm của mình bị sử dụng trái phép.
Nhà báo Dương Quang chia sẻ: giữa năm 2023, phóng viên ảnh Báo Người Lao Động đã bắt gặp một bức ảnh quý của mình có mặt trong biển quảng cáo nhãn hàng của một tập đoàn lớn nước ngoài. Biết đích xác là ảnh của mình, anh đã nhờ luật sư tư vấn và phản ánh với tập đoàn nước ngoài. Trải qua nhiều bước thương lượng, lập hợp đồng mua bán ảnh; cuối cùng, đến cuối năm 2023, tập đoàn ấy phải trả nhuận ảnh hàng trăm USD cho phóng viên.
Hay mới đây đến đầu năm 2024, khi báo Người Lao Động đăng phóng sự ảnh về một lễ hội ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An với một series gần 50 tấm hình và những shot quay đặc sắc. Tuy nhiên, phóng sự ảnh này bị lấy lại, xử lý cho khác nguyên gốc, phát trên fanpage, kênh Youtube và TikTok của một đài phát thanh – truyền hình tầm cỡ cấp tỉnh ở miền Tây Nam Bộ.
“Họ đã biến phóng sự ảnh này thành video, đưa AI tự động đọc text, toàn bộ ảnh tĩnh được xử lý lại dạng flash nhằm né bị Google “đập gậy” bản quyền, đặc biệt là không hề ghi nguồn dẫn” nhà báo Dương Quang thêm và cho biết, qua kiểm tra, đài phát thanh – truyền hình này chưa được báo Người Lao Đông cho phép khai thác lại tác phẩm. Nếu có được cho phép thì các cơ quan, đơn vị khác không được tự ý thay đổi nội dung, xáo trộn bố cục, đặt lại tiêu đề, ảnh và chú thích ảnh mà phải ghi rõ nguồn “theo Báo Người Lao Động”, kèm link.
Phó Tổng Biên tập báo Người Lao Động cho rằng, cần mạnh tay sử dụng công cụ pháp lý đối với những cá nhân, tổ chức ngoài ngành báo chí – truyền thông, kể cả các báo – đài đồng nghiệp có hành vi khai thác trái phép tác phẩm của mình nhằm thu lợi riêng.
Ứng dụng công nghệ nâng cao khả năng hỗ trợ đăng ký bản quyền
Trong phần tham luận của mình, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho rằng, hiện nay, tài sản số trong lĩnh vực báo chí đã được hình thành.
Ông Chung cho biết, các hình thức đánh cắp tài sản trên nền tảng số điển hình bao gồm: Chiếm đoạt quyền tác giả; mạo danh tác giả; phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo; sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả; sao chép tác phẩm không có sự đồng ý; làm tác phẩm phái sinh không có sự đồng ý; sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền bản quyền với chủ sở hữu.
Việc ứng dụng công nghệ sẽ có khả năng hỗ trợ đăng ký bản quyền, kiểm duyệt và phân phối nội dung tự động, liên kết truyền thông nội dung số; hỗ trợ pháp lý, phát hiện và cảnh báo vi phạm.
“Thời gian qua Trung tâm bản quyền số đã xây dựng Trục bản quyền số quốc gia giúp các đơn vị có thể tham gia vào các hoạt động bảo vệ bản quyền”, ông Chung thông tin.
Chia sẻ về những khó khăn, bất cập về pháp lý hiện nay, nhà báo Huỳnh Thị Hoàng Lan, Phó Trưởng Ban Ca nhạc – HTV chia sẻ: Pháp luật về sở hữu trí tuệ trên đường hoàn thiện, chưa có quy định chi tiết, đôi khi gây mơ hồ trong cách hiểu và áp dụng, trong khi đó nhận thức về bản quyền còn thấp. Hình thức vi phạm bản quyền trên hạ tầng số ngày càng tinh vi và phức tạp.
Nhà báo Huỳnh Thị Hoàng Lan cho rằng, chúng ta cần có đội ngũ chuyên trách. Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cụ thể hóa các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, tạo cơ sở cho việc thực thi bản quyền trên hạ tầng truyền hình và hạ tầng số và đảm bảo quyền lợi cho các cơ quan báo chí trong khi thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Ngoài ra, các đài truyền hình cần liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất và khai thác nội dung số nhằm tận dụng các thế mạnh của các hạ tầng, giảm thiểu xung đột bản quyền.