Thông qua việc nâng cao nhận thức và tạo động lực thôi thúc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở trẻ em, các thông điệp chung tay bảo vệ môi trường sẽ được lan toả mạnh mẽ. Từ đó, góp phần xây dựng được lá chắn để bảo vệ trẻ em khỏi ô nhiễm không khí nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung.
Bên trong Khu công nghiệp Tân Tạo (TP HCM) có con kênh quanh năm suốt tháng bị ô nhiễm bởi nước thải hóa chất từ các nhà máy. Mùi hôi nồng nặc khó chịu bốc lên. Không khí bị ô nhiễm. Cách đó năm mét là trường mẫu giáo với 300 trẻ nhỏ vẫn hít thở trong bầu không khí đó hàng ngày. Và dường như quen thuộc với sự ô nhiễm đến mức nó trở thành một phần vô hình trong cuộc sống của các em.
“Con không ngửi thấy mùi gì cả,” Bảo Khôi, cậu bé 5 tuổi là một trong 300 trẻ đang học tại trường mầm non Tân Tạo A nằm ở trung tâm công nghiệp của TP HCM cho biết.
Các em nhỏ trường mầm non Tân Tạo A trong bữa ăn trưa (Ảnh: Trần Phương Anh/UNICEF Việt Nam)
Chị Quỳnh Nga, mẹ của bé gái 5 tuổi, Linh Đan, đang theo học tại trường mầm non Tân Tạo A chia sẻ: “Phụ huynh chúng tôi nhận thức được không khí trong trường học không an toàn. Chúng tôi biết rằng các phân tử độc hại trong không khí có thể xâm nhập vào phổi của các con và gây hại đến sức khoẻ. Do đó, chúng tôi đã cố gắng bảo vệ các con tốt nhất có thể, ví dụ như là cho các con đeo khẩu trang và hỗ trợ nhà trường trong tất cả những hành động xanh trường dự định làm để khiến ngôi trường này trở nên xanh nhất có thể như trồng cây.” “Nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa những biện pháp bảo vệ môi trường – để ngăn chặn và thay đổi tình hình – chứ không chỉ để ứng phó.”
Cách Tân Tạo A không xa là trường mầm non Trạng Nguyên. Trường này nằm đối diện một điểm xử lý rác thải lớn. Đã thành thông lệ, các dòng xe chở rác nối nhau liên tục đến đây vào nhiều giờ khác nhau trong ngày chất rác thành hàng đống lớn.
“Hàng núi rác được đổ ra từ ngày này qua ngày khác,” bà Huynh Thi Tùng, hiệu trưởng nhà trường cho biết. “Khi có những cơn gió lớn, mùi hôi lại bốc lên gấp bội.” Ngôi trường này cũng có 300 trẻ em. Cha mẹ của các em làm việc tại các nhà máy hoặc các doanh nghiệp nhỏ trong vùng.
Một ngày điển hình của một đứa trẻ ở một thành phố lớn tại Việt Nam thường bắt đầu bằng việc phải ngồi trên xe máy để đến trường trong tình trạng giao thông ô nhiễm. Nhiều trẻ như Khôi và các bạn cùng lớp của em lại phải thêm 8 giờ chịu đựng không khí tồi tệ đến mức đáng báo động. Khí thải giao thông, đốt phế phẩm nông nghiệp, bụi từ nhưng công trình xây dựng, khói từ các nhà máy điện than và việc đốt chất thải công nghiệp là những nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường này. Trong khi đó, khu vực nông thôn có lượng khí thải cao do đốt phế phẩm nông nghiệp ngoài trời.
Tại Việt Nam, các khu vực đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và Hà Nội bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới. Việt Nam xếp hạng thứ 30 trong số 131 quốc gia trên thế giới có không khí độc hại nhất trong năm 2022. Trong những năm gần đây, tình trạng này không thay đổi nhiều nếu không nói là còn xấu đi theo như dự đoán. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, bị ảnh hưởng nhiều nhất vì chúng thở nhanh hơn người lớn và phổi vẫn đang phát triển. Các em cũng dễ bị tổn thương nhất vì các chất gây ô nhiễm không khí có thể đi từ phổi vào máu, đi đến não và gây viêm tế bào não.
Nhằm góp phần giải quyết thực trạng đáng quan ngại nêu trên, thời gian quan, UNICEF Việt Nam đã tài trợ hơn một trăm máy lọc không khí đã được cung cấp cho các trường mầm non tại TP.HCM và tỉnh miền núi Điện Biên. Chương trình giảng dạy của trường cũng được xây dựng để lồng ghép các nội dung kiến thức-thái độ-thực hành và đào tạo cho các nhà quản lý giáo dục, giáo viên về bảo vệ trẻ em khỏi tác hại ô nhiễm không khí.
Cô Ái – trường mầm non Tân Tạo A cho biết “Chúng tôi nhận thấy rằng kể từ khi vận hành máy lọc không khí trong lớp học, các em ngủ ngon hơn trong giờ ngủ trưa”.
Máy lọc không khí do UNICEF cung cấp cho trường mầm mon Trạng Nguyên tại TP.HCM. (Ảnh:Trần Phương Anh/UNICEF Việt Nam)
Không chỉ dừng lại ở đó, từ năm 2020, UNICEF Việt Nam đã tiên phong vận động Chính phủ triển khai hệ thống giáo dục toàn diện, thông minh về khí hậu. Điều này có nghĩa là thể chế hóa việc lồng ghép các nội dung về khí hậu quốc gia góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và thích ứng với các rủi ro liên quan đến khí hậu đang tác động đến hàng triệu trẻ em.
Bà Tùng, hiệu trưởng trường mầm non Trạng Nguyên cho biết, Các khóa đào tạo của UNICEF rất cần thiết cho cả cán bộ quản lý và giáo viên của chúng tôi.” “Khi mọi người – các nhà hoạch định chính sách giáo dục, quản lý trường học, giáo viên, phụ huynh và bản thân trẻ em cùng tham gia – chúng ta sẽ xây dựng một cộng đồng có kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ bản thân.”
“Điều quan trọng là phụ huynh cũng tham gia vào việc phòng ngừa và bảo vệ. Những biện pháp bảo vệ môi trường và kỹ năng tự bảo vệ bản thân đơn giản hàng ngày như hạn chế đốt rác ở nhà hay đeo khẩu trang cho trẻ vào những thời điểm quan trọng khi chất lượng không khí kém chắc chắn sẽ hữu ích.”
Theo các chuyên gia Giáo dục của UNICEF Việt Nam, đầu tư phát triển khung giáo dục, cung cấp máy lọc không khí cho các trường mầm non cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường là những động lực kịp thời và cần thiết cho hệ thống.
Thông qua việc nâng cao nhận thức và tạo động lực thôi thúc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở trẻ em, các thông điệp chung tay bảo vệ môi trường sẽ được lan toả mạnh mẽ trong các gia đình và toàn xã hội. Từ đó, góp phần xây dựng được lá chắn để bảo vệ trẻ em khỏi ô nhiễm không khí nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung.
Ngọc Châu