Là tỉnh địa đầu Tổ quốc với địa hình, thời tiết đặc biệt khắc nghiệt, Hà Giang có hơn 277 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), với 442 mốc giới phân định lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc, trong đó có 358 mốc chính, 84 mốc phụ. Khu vực biên giới gồm 32 xã và 2 thị trấn biên giới, là địa bàn sinh sống của 19 dân tộc anh em với dân số 25.466 hộ/132.730 khẩu thi người dân tộc Mông chiếm trên 62%.
Hiện tại, Hà Giang có cặp cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy – Thiên Bảo, cửa khẩu song phương Xín Mần – Đô Long và 11 lối mở, trong đó Thanh Thuỷ là cửa khẩu có quy mô lớn nhất.
Dọc dài hơn 277 km đường biên, bước chân của những người lính Bộ đội Biên phòng(BĐBP) Hà Giang vẫn ngày đêm không nghỉ men theo từng cánh rừng, ngọn đồi, từng thôn, bản nơi vùng biên để nắm bắt tình hình tại các địa bàn được phân công.
Để làm được điều đó, các anh đã thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám trụ, bán dân, bám địa bàn; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc). Việc luôn sát cánh cùng đồng bào của các chiến sỹ biên phòng là yếu tố quyết định giữ bình yên nơi vùng cao biên giới, đưa đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới ngày càng khởi sắc.
Bộ đội Biên phòng Hà Giang đã thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”. Ảnh Internet.
Theo Đại tá Đào Hồng Hà – Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang, công tác dân vận được chúng tôi hết sức quan tâm và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong việc thực thi các nhiệm vụ tại cơ sở. Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã tổ chức quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt; đồng thời xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện tốt công tác dân vận, vận động quần chúng, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, đấu tranh hoạt động vi phạm Hiệp định quản lý, bảo vệ biên giới.
Đội ngũ cán bộ này được coi là “cánh tay nối dài” của BĐBP đến cấp ủy cơ sở ở địa bàn biên giới. Hiện, toàn tỉnh có 34 cán bộ là cán bộ BĐBP được tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn biên giới. 177 cán bộ, đảng viên ở các Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 172 chi bộ thôn, bản và 346 đảng viên phụ trách giúp đỡ 1.589 hộ gia đình phát triển kinh tế.
1.589 hộ gia đình đã được các chiến sỹ Biên phòng Hà Giang giúp phát triển kinh tế. Ảnh Internet.
Nhờ thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”, năm 2022, BĐBP Hà Giang đã góp phần củng cố được 128 lượt tổ chức Đảng, bồi dưỡng, tạo nguồn và kết nạp thêm được 112 đảng viên. Đội ngũ này cũng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương triển khai nhiều biện pháp thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ, của tỉnh Hà Giang cũng như của lực lượng BĐBP được UBND các cấp giao làm chủ đầu tư.
Bám sát phương châm: “Hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ tăng cường chủ động khảo sát tình hình, tìm hiểu mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để giúp đỡ, hỗ trợ. Phối hợp với các ban, ngành triển khai nhiều chương trình có ý nghĩa, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động nhằm vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí hỗ trợ cho các hộ nghèo trên khu vực biên giới.
Năm 2022, BĐBP tỉnh đã cùng cấp ủy chính quyền địa phương các xã, thị trấn biên giới tham gia khởi công 168 ngôi nhà, hỗ trợ 3,5 tấn xi măng, 265 kg gừng giống và 1.165 ngày công; cử 285 cán bộ chiến sĩ tham gia cùng địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, di dời tài sản, vật chất cho nhân dân. Phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan đơn vị kết nghĩa tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”…
Đồng thời, tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Lũng Cú tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới phục vụ lao động, sản xuất và tuần tra quản lý bảo vệ biên giới tại thôn Lô Lô Chải/xã Lũng Cú/huyện Đồng Văn (Địa bàn Đồn BP Lũng Cú); kết quả tuyên truyền được 02 buổi/252 người nghe, 05 hộ tham gia hiến đất, làm 1,5 km đường giao thông nông thôn…
Có thể khẳng định, bằng sự tham mưu của đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường mà phương pháp, tác phong công tác, ý thức trách nhiệm và lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở đã có sự chuyển biến tích cực, theo hướng sát dân, gần dân và có trách nhiệm với dân.
Cùng với đó, chất lượng hoạt động của tổ chức chính quyền các xã, thị trấn biên giới cũng được nâng cao… Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn biên giới đã từng bước được cải thiện. Lòng tin và sự đồng thuận trong nhân dân được nâng lên giúp họ yên tâm gắn bó, tham gia xây dựng và bảo vệ biên cương, góp phần củng cố tình đoàn kết quân – dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn biên giới ngày càng vững chắc; qua đó góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với phát triển kinh tế – xã hội vì một tuyến biên giới bình yên./.
Vietnam.vn