Với phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi rừng thơ mộng hòa trong không gian văn hóa đa sắc màu, Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình đã và đang trở thành một điểm đến tham quan du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Hòa Bình. Là khu du lịch cấp Quốc gia trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc, có sản phẩm du lịch đặc trưng, văn hóa các dân tộc và hệ sinh thái hồ Hòa Bình với các loại hình du lịch đa dạng.
Không gian phát triển Khu du lịch Hồ Hòa Bình được hình thành trên cơ sở các không gian cảnh quan đồi núi, hệ sinh thái tự nhiên, các giá trị văn hóa, tâm linh gắn liền với vùng lòng Hồ Hòa Bình; hệ thống giao thông du lịch giao thông đường bộ và đường thủy là cơ sở kết nối các khu vực trọng tâm; phát triển du lịch dịch vụ, hình thành các trung tâm du lịch, hậu cần tập trung và tạo không gian liên kết với không gian vùng đệm du lịch bao gồm các không gian đặc trưng với không gian đồi Voi, đồi Đỏ tiếp giáp với không gian mặt nước và bến thuyền Hiền Lương; tổ chức các khu nghỉ núi, giải trí sinh thái tôn trọng địa hình đồi núi tự nhiên, bảo tồn và tái tạo lại các làng bản hiện trạng bản địa.
Đền Bờ với cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, thu hút du khách dịp đầu xuân (Ảnh: Internet)
Cùng văn hóa, tín ngưỡng linh thiêng như đền Thác Bờ, động Thác Bờ, động Hoa Tiên và vịnh Ngòi Hoa, đảo Sung, núi đá Vóc là không gian du lịch văn hóa tín ngưỡng, tâm linh và bản sắc dân tộc Mường; tổ chức các không gian quy hoạch hài hòa với trung tâm đền và hình thái tự nhiên của hang động, vịnh Ngòi Hoa. Các không gian làng bản dân tộc Mường được bảo tồn nguyên trạng, các khu nghỉ dưỡng theo phong cách và quần cư làng bản dân tộc truyền thống.
Với cảnh quan tự nhiên hung vĩ như cảng Thung Nai – bến Bình Thanh – vịnh Ngòi Hoa nới đây có thể tổ chức các lễ hội văn hóa, chợ truyền thống, khu dịch vụ du lịch và lưu trú gắn với quần cư văn hóa bản địa và địa hình tự nhiên cảnh quan mặt nước hồ. Tại khu vực trung tâm thành phố Hòa Bình có thể phát triển các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng và du lịch; khu vực Bích Hạ, Ba Cấp ưu tiên phát triển dịch vụ hỗ trợ, mở rộng các công trình đầu mối giao thông đường bộ và đường thủy bãi đỗ xe, cảng đường thủy.
Phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với vui chơi giải trí, sân gôn, hệ thống cáp treo; hình thành các không gian quảng trường gắn với các không gian đón tiếp. Khoanh vùng kiểm soát, bảo vệ nhà máy thủy điện Hòa Bình; đảm bảo an ninh, an toàn khu vực đập thủy điện và các khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng. Kiểm soát công trình cao tầng trong khu vực đô thị trung tâm và các khu vực ven lòng hồ. Tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ Nhà máy thủy điện Hòa Bình và quy định về an toàn nước mặt hồ Hòa Bình.
Đồng thời phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái gắn với cảnh quan ven hồ, khu vui chơi giải trí trên mặt nước, bến thuyền du lịch; các bản làng văn hóa gắn với du lịch cộng đồng; bổ sung thêm hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho huyện Đà Bắc và khu du lịch, phát triển một số khu dân cư mới với mô hình đô thị sinh thái. Kiểm soát kiến trúc, tầng cao tại các khu vực ven lòng hồ; khai thác địa hình cảnh quan tự nhiên để xây dựng các khu chức năng, hạn chế san gạt địa hình tự nhiên; bảo vệ hệ sinh thái rừng và các không gian tự nhiên ven lòng hồ; tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ nguồn nước mặt hồ Hòa Bình.
Bên cạnh đó là phát triển nông lâm nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với các điểm du lịch thôn bản hiện có; phát triển sản vật địa phương, nâng cấp điều kiện ở, bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội để hoàn thiện các cụm dân cư hiện hữu cải tạo, hỗ trợ phục vụ du lịch hoạt động sản xuất cũng như hỗ trợ cho du lịch. Tuân thủ các quy định pháp luật và luật lâm nghiệp.
Đặc biệt là phát triển hình thành trung tâm văn hóa – lễ hội gắn với du lịch văn hóa Mường, phát triển các khu du lịch văn hóa, sinh thái gắn với cộng đồng các dân tộc bản địa; khu vực trung tâm phát triển các khu thương mại dịch vụ, khu ẩm thực, hình thành các tuyến đi bộ gắn với không gian quảng trường; nâng cấp hệ thống giao thông và các hệ thống cảng phục vụ du lịch.
Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt góp phần “định hướng” cho du lịch Hoà Bình phát triển (Ảnh: Internet)
Kiểm soát kiến trúc công trình, không gian cảnh quan các khu vực ven lòng hồ và các khu dịch vụ du lịch; khai thác địa hình cảnh quan tự nhiên để xây dựng các khu chức năng; bảo vệ hệ sinh thái rừng và các không gian tự nhiên ven lòng hồ; tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ nguồn nước mặt hồ Hòa Bình. Phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái mang bản sắc văn hóa dân tộc gắn với cộng đồng các dân tộc bản địa, các hoạt động du lịch gắn liền với thiên nhiên hoang dã như cắm trại, trèo thuyền thám hiểm liên kết cảng.
Bảo vệ và phát triển hoạt động trồng rừng để tạo cảnh quan sinh thái, khai thác các khu vực có điều kiện thổ nhưỡng tốt để hình thành các trang trại trồng cây ăn quả, phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương; kiểm soát các không gian dịch vụ du lịch, các khu dân cư ven lòng hồ; hạn chế hoạt động xây dựng công trình, san gạt đồi núi, tác động đến cảnh quang tự nhiên.
Phát triển du lịch cắm trại dã ngoại, xây dựng khu bách thảo, khu động vật hoang dã và nghiên cứu khoa học về động thực vật bản địa; các khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được bảo tồn và khai thác phát triển cho các hoạt động du lịch tìm hiểu thiên nhiên, phong cảnh. Kiểm soát các khu vực dân cư hiện hữu không phát triển mở rộng để tránh gây tác động đến ba loại rừng, bảo tồn nghiêm ngặt các hoạt động trong Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Phu Canh. Tuân thủ các quy định pháp luật và luật lâm nghiệp.
Khai thác và phát huy giá trị bản sắc kiến trúc truyền thống các dân tộc khu vực hồ Hòa Bình có đặc trưng và bảo tồn văn hóa lịch sử, bảo vệ cảnh quan tự nhiên; hạn chế tối đa san gạt địa hình để đảm bảo hài hòa với địa hình cảnh quan tự nhiên; hình thành không gian du lịch đặc trưng và bản sắc. Cải tạo, chỉnh trang mỹ quan đô thị, cải tạo và xây mới các không gian công cộng, không gian xanh đô thị, tăng cường các tiện ích công cộng đô thị, phát triển hài hòa, gìn giữ được các bản sắc riêng.
Kết hợp hài hòa các yếu tố địa hình tự nhiên, cảnh quan khu vực nông, lâm nghiệp với cấu trúc không gian làng bản truyền thống, gắn kết với các khu dân cư lân cận. Cùng với việc khai thác hợp lý địa hình tự nhiên, hạn chế san lấp lớn làm thay đổi địa hình khu vực. Khu vực dân cư hiện trạng, khu du lịch đang triển khai xây dựng có cao độ an toàn với mực nước lớn nhất của hồ Hoà Bình, khi xây dựng các công trình mới sẽ giữ nguyên cao độ san nền hoặc san nền cục bộ cho phù hợp với điều kiện hiện trạng và tự nhiên của khu vực.
Tăng cường bảo vệ, trồng mới rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Giữ nguyên các lạch suối, hồ chứa hiện trạng. Nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm hành lang hai bên bờ suối, ngăn chặn dòng chảy. Kè bờ kiên cố những đoạn qua khu dân cư.
Bảo vệ nghiêm ngặt hành lang các suối, hồ chứa. Không xây dựng các công trình gây ô nhiễm; trồng cây và bảo vệ thảm thực vật tạo nguồn nước cho hồ và suối, giảm thiểu rủi ro, sự cố môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Vương Thanh Tú