Khu du lịch quốc gia Đankia – Suối Vàng thuộc địa phận thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có diện tích khoảng 4.000 ha với nhiều tiềm năng theo đó Lâm Đồng định hướng phát triển khu du lịch Đankia – Suối Vàng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, hồ Đankia, hồ Suối Vàng, di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, trên cơ sở khai thác các giá trị đặc trưng về điều kiện khí hậu, cảnh quan sinh thái, danh thắng độc đáo gắn với văn hóa bản địa để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, có giá trị và sức cạnh tranh cao; góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch của Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.
Kết hợp hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế của người dân, kết nối chặt chẽ với thành phố Đà Lạt, Khu DLQG Hồ Tuyền Lâm và các điểm du lịch trọng điểm khác của tỉnh Lâm Đồng; hình thành mối liên kết với các khu du lịch quốc gia Măng Đen (Kon Tum), Yokdon (Đắk Lắk), Biển Hồ – Chư Đăng Ya (Gia Lai) và các khu, điểm du lịch trọng điểm khác trong vùng du lịch Tây Nguyên.
Đặc biệt tăng cường phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, nhất là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để phát triển thành các sản phẩm du lịch tham quan buôn làng, du lịch tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, du lịch cộng đồng, khai thác các đặc thù về điều kiện khí hậu, cảnh quan để phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng ven hồ, nghỉ dưỡng gắn với thể thao golf, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, thúc đẩy phát triển các hoạt động thể thao trên mặt nước như bơi, chèo thuyền kayak; thể thao ngoài trời như đua xe địa hình, việt dã, golf.
Tập trung khai thác lợi thế về đặc điểm khí hậu, hệ sinh thái nông nghiệp và nguồn dược liệu phong phú của khu vực để hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái chuyên đề.
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các loại hình chính như nghỉ dưỡng ven hồ, làng du lịch, bungalow; được thiết kế đa dạng về phong cách kiến trúc, bảo đảm sự hòa quyện với thiên nhiên, cảnh quan rừng thông, hồ nước, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp áp dụng công nghệ hiện đại, cung cấp các dịch vụ du lịch kết hợp điều dưỡng, phục hồi sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp, tổ chức các hoạt động du lịch thể thao vận động, dã ngoại ngoài trời kết hợp phát triển câu lạc bộ thể thao dưới nước, trung tâm huấn luyện thể thao.
Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Đankia – Suối Vàng trở thành Khu du lịch quốc gia, là một trung tâm du lịch của vùng Tây Nguyên và cả nước với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hình thành được thương hiệu và sản phẩm du lịch đặc trưng, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; gắn kết chặt chẽ với Khu DLQG Hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt và các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh, trở thành điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan du lịch vùng Tây Nguyên. Cụ thể đến năm 2025 đón khoảng 3,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 56 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 5,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 100 nghìn lượt với doanh thu đạt trên 1.200 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 3.500 tỷ đồng và với 3.700 buồng lưu trú.
Cùng với huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Khu DLQG Đankia – Suối Vàng, bao gồm: vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn huy động hợp pháp trong nước khác và vốn đầu tư nước ngoài.
Tăng cường phối hợp hành động liên ngành và liên vùng trong việc thực hiện quy hoạch; kiểm tra, giám sát định kỳ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin về quy hoạch, đất đai, chính sách ưu đãi… với hình thức hội thảo kêu gọi đầu tư, các chuyến dã ngoại, nghiên cứu thực địa… tại Khu DLQG Đankia – Suối Vàng, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương, nhất là người dân tộc thiểu số, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào hoạt động quản lý, đào tạo nhân lực du lịch, nghiên cứu thị trường và xúc tiến, quảng bá du lịch, tuyệt đối chấp hành khu vực khoanh vùng bảo vệ rừng tự nhiên, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm, hạn chế tối đa các tác động, chỉ triển khai các hoạt động du lịch tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm sinh thái.
Thực hiện tái định cư tại chỗ, khuyến khích và tạo cơ hội kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch cho cư dân địa phương. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ cộng đồng như đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa… Tăng cường ngân sách cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa như các phong tục, tập quán, hình thức kiến trúc, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng trong hoạt động du lịch.
Thu Hằng