SGGPO
Đất sản xuất nông nghiệp trên đảo Lý Sơn rất hiếm, để có được một diện tích đất trồng hành, tỏi – sản vật nổi tiếng cả nước – người dân Lý Sơn đã phải cải tạo nhiều đời mới tạo nên sinh kế bền vững. Vậy nên, khi thu hồi để làm khu dân cư sẽ phá vỡ sinh kế bền vững của người dân và gây tổn hại đến nghề trồng tỏi ở Lý Sơn.
Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư Đồng Rừng tại huyện đảo Lý Sơn, với diện tích 204.252,5m2,tổng vốn đầu tư hơn 662,6 tỷ đồng, trong đó hơn 554 tỷ đồng chi phí sơ bộ thực hiện dự án và gần 108 tỷ đồng chi phí sơ bộ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Khu dân cư Đồng Rừng có 148 căn nhà ở nằm trên trục đường chính, trong đó có 328 lô đất ở liền kề, 65 lô đất ở biệt thự. Đây là dự án khu dân cư đầu tiên trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn.
Khu vực triển khai dự án khu dân cư Đồng Rừng, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi |
Đến tháng 7-2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Quyết định về phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu dân cư Đồng Rừng.
Theo quyết định này, chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện là Liên danh nhà đầu tư gồm Tổng Công ty Đầu tư Hợp Nghĩa – Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng Đô thị Tân Thái Bình Dương và Công ty Cổ phần Vạn Quỳnh. Thành viên đứng đầu liên danh này là Công ty Đầu tư Hợp Nghĩa.
Thời gian hoạt động của dự án đầu tư Khu dân cư Đồng Rừng là 49 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất; tiến độ thực hiện dự án là 5 năm.
UBND huyện Lý Sơn đã ban hành thông báo thu hồi hơn 204.252,5m2 đất, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 178.270,4m2 đất của 474 hộ, còn lại là đất ở nông thôn (23 hộ, diện tích bị ảnh hưởng 1.088,7m2), đất trồng cây lâu năm (1 hộ, diện tích bị ảnh hưởng 1,7m2), diện tích đất do các tổ chức quản lý là 24.891,7m2)
Tuy nhiên, khi mức đền bù và hỗ trợ được áp giá theo khung giá do Nhà nước quy định, người dân huyện đảo Lý Sơn phản ứng vì cho rằng mức giá quá thấp, không tương xứng với giá thị trường và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
Bà Ngô Thị Trụ (thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn) cho biết: “Nhà tôi có 480m2 nằm trong diện tích thu hồi, mức giá đền bù và hỗ trợ khác chỉ 500.000 đồng/m2, tôi thấy quá rẻ, gia đình tôi chỉ có bấy nhiêu đất để trồng hành tỏi, 1 năm làm 3 vụ hành, 1 vụ tỏi, bây giờ thu hồi thì không có đất để trồng”.
Ông Phạm Hữu Hiền có đất trong dự án thu hồi, tuy nhiên giá đền bù thấp so với thực tế nên ông không đồng ý giao đất |
Ông Phạm Hữu Hiền (thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn) có 1.100m2 đất, khi thu hồi thì còn lại 300m2 đất. Ông nói: “Tôi tán thành chủ trương của huyện, tỉnh nhưng giá đền bù thấp so với thực tế, bây giờ người ta hỏi mua đất tôi với giá hơn 1,2 triệu/m2 nhưng tôi không bán vì bán rồi lấy gì sống. Trên đất này, mỗi vụ trồng hành, tỏi sau trừ các chi phí lãi còn 40 triệu đồng/sào”.
Khu vực này người dân trồng hành, tỏi là nguồn kinh tế chính của các hộ gia đình đảo Lý Sơn |
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết, qua làm việc với các hộ dân nằm trong vùng dự án khu dân cư Đồng Rừng, về chủ trương thực hiện dự án thì người dân đồng ý, tuy nhiên họ phản ánh giá đất thấp so với giá thị trường. Mức giá bồi thường theo khung giá đất Nhà nước cùng các chi phí hỗ trợ người dân vùng dự án là 500.000 đồng/m2, giá này không tương xứng nên người dân không đồng ý giao đất.
Bà Hương nói: “Đối với dự án khu dân cư Đồng Rừng, huyện đang làm báo cáo tỉnh xin hệ số điều chỉnh giá đất theo thực tế Lý Sơn, giá bồi thường cùng các hỗ trợ khác 500.000 đồng/m2 thì mình phải điều chỉnh gấp 2 lần, lên mức 1-1,2 triệu tương xứng người dân đề nghị. Hiện các phòng ban của huyện đang nghiên cứu các quy định sau đó báo cáo Ủy ban xin ý kiến”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hồi một diện tích lớn đất nông nghiệp, trong đó phần lớn là đất trồng tỏi, sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy. Bởi lẽ, đất sản xuất nông nghiệp trên đảo Lý Sơn rất hiếm, để có được diện tích đất này để trồng hành, tỏi – một sản vật nổi tiếng cả nước – người dân Lý Sơn đã phải cải tạo nhiều đời nay mới tạo nên sinh kế bền vững. Vậy nên, khi thu hồi diện tích này để làm khu dân cư sẽ phá vỡ sinh kế bền vững của người dân và gây tổn hại đến nghề trồng tỏi ở Lý Sơn.
Hơn nữa, việc phát triển khu dân cư, phân lô xây dựng nhà phố, xây biệt thự… không chỉ làm “đô thị hóa” phá vỡ cảnh quan đảo tiền tiêu Lý Sơn mà còn có nguy cơ gây quá tải với hạ tầng dân sinh nơi đây, nhất là nguồn nước và xử lý rác.