Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu chia sẻ: “Là một người đã và đang sinh sống ở nước ngoài 38 năm, được chứng kiến sự đổi thay và phát triển của cộng đồng người Việt xa xứ, đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động cộng đồng, tôi đã chia sẻ một số kinh nghiệm và kiến nghị trong việc xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc và hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời đại mới hiện nay thông qua tham luận gửi tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X”.
Theo bà Phan Bích Thiện, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy cần chú trọng việc xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để gắn kết và phát huy hiệu quả hơn tiềm năng của người Việt ở nước ngoài đóng góp cho quê hương. Trong việc này vai trò của các hội đoàn người Việt rất quan trọng.
Trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhu cầu được gặp gỡ, sinh hoạt, chia sẻ trong một hội đoàn nào đó càng ngày càng lớn… Do vậy chính các hội đoàn là nơi có thể kết nối, tập hợp sức mạnh của mọi người theo từng đối tượng, trong từng lĩnh vực, có những điểm chung.
Xây dựng được các hội đoàn vững mạnh có nghĩa là sẽ tận dụng được tiềm năng của các tầng lớp và đối tượng người Việt trong cộng đồng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân hiệu quả hơn.
Đặc biệt trong việc xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc ở nước ngoài và công tác đối ngoại nhân dân chúng ta cần chú trọng để phát huy vai trò của những nhân tố kiều bào tiêu biểu, hội nhập tốt, có uy tín không chỉ trong cộng đồng người Việt mà có cả tầm ảnh hưởng đối với cả xã hội nước sở tại để quy tụ được bà con.
Trong tham luận gửi tới Đại hội, một số kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cộng đồng và đối ngoại nhân dân đã được bà Phan Bích Thiện trình bày như: Kết nối, liên kết các hội đoàn trên phạm vi khu vực và châu lục; Các hoạt động của hội đoàn cần đi vào chiều sâu, thực sự có ý nghĩa và hiệu quả; Đưa các hoạt động hội đoàn vươn ra ngoài phạm vi cộng đồng người Việt, hướng tới nước sở tại và quốc tế; Sáng tạo, mở rộng các hình thức đối ngoại nhân dân chủ động từ hai phía; Tận dụng ưu thế của thời đại cách mạng số trong các hoạt động.
Trong đó, tham luận nhấn mạnh đến cách truyền tình yêu quê hương, tự hào dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt cho các thế hệ sau, vận động thế hệ trẻ tham gia công tác hội đoàn.
Bên cạnh đó, trong tham luận, bà Phan Bích Thiện cũng đề xuất đối với các cơ quan trong nước để hỗ trợ kiều bào trong việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc và đối ngoại nhân dân tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở nước ngoài.
Chúng ta nên tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở nước ngoài. Trước tiên có thể triển khai tổ chức thí điểm tại một số địa bàn có phong trào cộng đồng mạnh, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các nước khác.
Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam đối với khối người Việt Nam ở nước ngoài: Phát huy vai trò của các Ủy viên UBTƯ MTTQ là người Việt Nam ở nước ngoài để tuyên truyền rộng rãi hơn về vai trò của Mặt trận Tổ quốc. Trong chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước cần có sự tham gia của UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Song song với đó, cần hỗ trợ về các cơ sở pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài. Để có thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thì trước tiên kiều bào phải thực sự cảm thấy mình là một thành viên bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Do vậy các luật pháp liên quan đến quyền lợi người Việt Nam ở nước ngoài cũng cần sửa đổi, điều chỉnh để người Việt Nam ở nước ngoài được bình đẳng như người trong nước.
Nguồn: https://daidoanket.vn/xay-dung-khoi-dai-doan-ket-dan-toc-trong-cong-dong-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-10292581.html