Chiều 12/4, tại Họp báo quý I/2024 của Bộ Tư pháp, đại diện Bộ đã có trả lời về vấn đề thu hồi khối tài sản “khổng lồ” để đảm bảo thi hành án trong vụ Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo đó, chiều ngày 11/4, TAND Tp.Hồ Chí Minh đã tuyên phạt tử hình và buộc bà Trương Mỹ Lan bồi thường gần 674.000 tỷ đồng cho Ngân hàng SCB; giao ngân hàng tiếp tục quản lý 1.122 mã tài sản đảm bảo cho các khoản vay của bị cáo.
Từ đó, tòa tuyên giao cho SCB tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp. Quá trình xử lý các tài sản để thu hồi nợ, nếu dư thì phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế (C03, Bộ Công an) để xác định tài sản nào thuộc sở hữu của Trương Mỹ Lan thì dùng đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn khác của bị cáo trong vụ án.
Ông Nguyễn Thắng Lợi – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, ngay trong giai đoạn điều tra và truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kê biên, phong tỏa và chuyển giao tài sản, vật chứng cho cơ quan thi hành án.
Sau đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát những thủ tục pháp lý đối với các tài sản và vật chứng để đảm bảo cho quá trình việc thi hành án.
Về trình tự thủ tục, hiện bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Sau phần tuyên án về bồi thường thiệt hại mà không có kháng cáo, hoặc có kháng cáo và tòa án cấp phúc thẩm tuyên bản án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.
“Vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ việc lớn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, dư luận xã hội. Tổng cục Thi hành án dân sự đã chủ động chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương, tới đây là Cục Thi hành án dân sự Tp.HCM xây dựng kế hoạch chi tiết bố trí nguồn lực, cử cán bộ hướng dẫn để địa phương thi hành án, sẵn sàng ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ tiến hành theo đúng quy định pháp luật”, ông Lợi nói.
Quan điểm về nồng độ cồn
Cũng tại buổi họp, báo chí đặt câu hỏi về ý kiến khác nhau liên quan tới việc cấm tuyệt đối người tham gia giao thông có nồng độ cồn hay có ngưỡng nhất định. Quan điểm của Bộ Tư pháp về nội dung này như thế nào?
Trả lời nội dung này, bà Lê Thị Vân Anh – Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự – Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, như báo chí phản ánh, hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau như trên.
Bà Vân Anh cho hay, Luật Phòng chống tác hại củarượu bia năm 2019 đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có nghiêm cấm hành vi điều khiển giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. (Khoản 5, điều 6). Bởi vậy, việc cấm tuyệt đối hay không phải căn cứ vào các tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân.
Trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế có những nghiên cứu mang tính khoa học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phù hợp với ý thức tham gia giao thông của người dân, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật.