Sau khi Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, thành phố Hội An (Quảng Nam) trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Du lịch phát triển đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới.
Phố cổ Hội An, điểm đến hấp dẫn du khách. |
Thành phố Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách Quốc lộ 1A khoảng 9 km về phía đông, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 25 km về phía đông nam và cách thành phố Tam Kỳ khoảng 50 km về phía đông bắc. Hội An có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và thế giới.
Đa dạng các sản phẩm văn hóa
Hội An là nơi tụ cư, hợp cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, nhiều dân tộc, điểm gặp gỡ, giao thoa giữa các nền văn minh Chăm-Việt-Hoa-Nhật-Ấn và các nước phương Tây; là cái nôi truyền bá Thiên chúa giáo, Phật giáo và là một trong hai cái nôi ra đời chữ Quốc ngữ.
Tại Hội An, các lễ hội văn hóa truyền thống diễn ra quanh năm. Đáng nói, những năm gần đây, Hội An được chọn là nơi tổ chức các lễ hội hiện đại, các sự kiện chính trị, văn hóa-du lịch mang tầm quốc tế, khu vực, quốc gia… thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo cộng đồng dân cư và du khách. Hội An còn có nhiều làng nghề nổi tiếng với kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, nguồn văn hóa ẩm thực đặc sắc.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An đã nỗ lực huy động nguồn lực trong nước, quốc tế để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội và đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Đô thị cổ Hội An-Di sản văn hóa thế giới và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Thành phố Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách Quốc lộ 1A khoảng 9 km về phía đông, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 25 km về phía đông nam và cách thành phố Tam Kỳ khoảng 50 km về phía đông bắc. Hội An có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và thế giới.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, từ khi Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và Cù Lao Chàm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đã mở ra nhiều cơ hội mới cho địa phương trong phát triển du lịch, dịch vụ. Lượng du khách đến Hội An không ngừng tăng cao và trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và quốc tế.
Trong giai đoạn 2015-2019, Hội An có tốc độ tăng trưởng khá cao, giá trị sản xuất bình quân tăng 15%/năm. Năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19, lĩnh vực du lịch, thương mại và dịch vụ chiếm 72,28%; công nghiệp, xây dựng chiếm 20,46%; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm hơn 6%. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế thành phố Hội An suy giảm 59,37% so với năm 2019.
Trong năm 2022, kinh tế thành phố dần khôi phục và tăng trưởng 28,84% so với năm 2021; thu ngân sách nhà nước đạt 2.358 tỷ đồng (tăng 29,72% so với năm 2021), thu nhập bình quân đầu người đạt 46,19 triệu đồng/người và là địa phương đầu tiên của tỉnh không còn hộ nghèo.
Cùng với phát triển kinh tế, thành phố luôn quan tâm đến công tác quản lý chất thải, quan trắc, kiểm soát chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội An đã lồng ghép các nguồn lực, hoàn thành Dự án “Cải thiện chất lượng nước và môi trường di tích Chùa Cầu-Hội An”, Dự án hệ thống thu gom nước thải đấu nối vào từng nhà dân; vận hành tốt hai nhà máy xử lý nước thải, nâng tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải toàn thành phố đạt 60%.
Hội An luôn chú trọng khai thác, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; giữ gìn và phát triển các không gian xanh, hành lang xanh và cây xanh đô thị.
Đến nay, Hội An đã triển khai thực hiện thành công Đề án “Xây dựng thành phố sinh thái”; các chương trình: Phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu sử dụng túi nylon, xử lý rác thải nhà bếp, giáo dục môi trường trong học đường, nâng cao năng lực bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp.
Các phong trào: “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường”… mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng môi trường, sinh thái thành phố.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, thời gian qua, Hội An đã đầu tư xây dựng, nâng cấp một số thiết chế văn hóa trọng điểm, các khu vui chơi trẻ em, sân tập thể dục thể thao, không gian công cộng, điểm dừng chân… Đặc biệt, thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư một số dự án về văn hóa-nghệ thuật có quy mô lớn, như: Công viên Ấn tượng Hội An, Chương trình “Ký ức Hội An”… Các sản phẩm du lịch trong khu phố cổ, như: Phố đi bộ, phố không có tiếng động cơ, đêm phố cổ, biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, bài chòi, không gian văn hóa Nhật Bản… ngày càng phát triển. Đến nay, Hội An đã ba lần được trao giải thưởng “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” của Ban tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới-World Travel Awards.
Bảo tồn để phát triển
Tuy nhiên, đồng chí Hồ Quang Bửu cũng nhìn nhận, trong quá trình phát triển, thành phố Hội An chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có; công tác quy hoạch và huy động nguồn lực đầu tư không theo kịp yêu cầu phát triển. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, môi trường sinh thái của Hội An đối diện với nhiều thách thức.
Do vậy, để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, môi trường sinh thái của Hội An, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mới đây, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch đến năm 2030.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, xây dựng và phát triển thành phố Hội An đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng; giữ vai trò là trung tâm giao lưu văn hóa, đối ngoại và thành phố sự kiện-lễ hội của tỉnh.
Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030, xây dựng và phát triển thành phố Hội An đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng; giữ vai trò là trung tâm giao lưu văn hóa, đối ngoại và thành phố sự kiện-lễ hội của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch-dịch vụ của khu vực duyên hải miền trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới. Kết nối “hệ sinh thái di sản” đa dạng và lan tỏa; bảo tồn, phát triển đô thị theo kiểu mẫu cấu trúc “Phố-Làng”; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh và mạng lưới đô thị thông minh của cả nước.
Đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, Quảng Nam đang hoàn thành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An gắn kết với quy hoạch tỉnh Quảng Nam, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia; từng bước xem xét mở rộng không gian phát triển của thành phố Hội An trong mối hài hòa với các địa phương lân cận, tạo sự liên kết vùng để bảo tồn, phát triển đô thị di sản Hội An một cách bền vững. Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch, quy chế, quy định và những giải pháp căn cơ về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ thúc đẩy xã hội hóa, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội; đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tăng khả năng thích ứng với thiên tai, bão lụt và biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển các sản phẩm du lịch bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trong quá trình quản lý quy hoạch, thẩm định và triển khai các dự án đầu tư, địa phương chú trọng bảo tồn tài nguyên tự nhiên, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di sản thế giới, văn hóa truyền thống của các làng quê; gắn quá trình xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch xanh; nghiêm cấm khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên gây suy thoái môi trường; thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, bảo đảm người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn năng lượng sạch.
Với phương châm “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn”, Quảng Nam chú trọng đầu tư lĩnh vực văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế; tập trung phát triển cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, đầu tư cho việc sáng tạo và xây dựng các sản phẩm văn hóa, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
“Quảng Nam kiên trì và quyết tâm phát triển du lịch bền vững phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng và lợi thế của Hội An. Đổi mới mạnh mẽ phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường và xu thế hội nhập; chú trọng giữ gìn và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu thị trường, thu thập cơ sở dữ liệu, xây dựng du lịch thông minh; đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chú trọng phát triển những thương hiệu du lịch có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế”, đồng chí Phan Việt Cường chia sẻ.