Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS Hoàng Anh Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) đã trình bày dự thảo Chuẩn Chương trình đào tạo Khối ngành Môi trường và bảo vệ môi trường được xây dựng theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDDT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong đó, Trường xây dựng chương trình đào tạo Đại học cho các ngành: Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Quản lý TN&MT; Chương trình sau đại học các chuyên ngành: Khoa học môi trường, Quản lý TN&MT, Kỹ thuật môi trường.
Trường đã nghiên cứu, đề xuất các danh mục, kế hoạch biên soạn các giáo trình theo yêu cầu của Bộ TN&MT đối với các nhóm khối kiến thức trong lĩnh vực môi trường. Đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học từ năm 2022 – 2023. Trường đã tổng hợp biên soạn 7 giáo trình trọng yếu bao gồm: Quan trắc môi trường (2 tập); Kiểm toán môi trường lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp; Bảo tồn đa dạng và phục hồi hệ sinh thái; Lượng giá tài nguyên thiên nhiên; Quản lý và xử lý chất thải rắn bền vững hướng đến nền kinh tế tuần hoàn; Đánh giá Môi trường chiến lược và Phương pháp đánh giá tác động môi trường.
Từ các nội dung tại Thông báo 116/TB-BTNMT về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã thực hiện đúng tiến độ và hoàn thành nghiệm thu cấp cơ sở Chuẩn Chương trình đào tạo Khối ngành Môi trường và bảo vệ môi trường, xây dựng 5 chương trình đào tạo Đại học và cao học lĩnh vực môi trường và đã đưa các chương trình đào tạo này vào giảng dạy. Qua đó, để cập nhật nhóm kiến thức đáp ứng luật Bảo vệ môi trường 2020, Trường Đại học TN&MT Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại học TN&MT TP.HCM dự kiến biên soạn các giáo trình giai đoạn 2024 -2025.
PGS.TS Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo, Trường đã thực hiện biên soạn giáo trình bài bản theo trình tự: Xây dựng Hội thảo (xác định tên giáo trình, kế hoạch thực hiện và định hướng nội dung của giáo trình); Xây dựng khung/ đề cương giáo trình, tổ chức xin ý kiến các chuyên gia khoa học; Xây dựng bản dự thảo giáo trình thông qua họp ban chỉ đạo xin ý kiến về bản dự thảo giáo trình theo đúng kế hoạch vào tháng 3 năm 2023; Chỉnh sửa Bản dự thảo giáo trình. Để tiến tới in ấn xuất bản, 2 trường trực thuộc Bộ đã đề xuất danh sách các chuyên gia khoa học phản biện giáo trình và gửi cho Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ, chờ duyệt Bản dự thảo xin ý kiến phản biện để hoàn thiện giáo trình.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học TN&MT TP.HCM đã hoàn thành 4 giáo trình thuộc Danh mục giáo trình đề xuất biên soạn năm 2023. Giáo trình đã được biên soạn công phu, có sự tham gia của nhiều giảng viên, chuyên gia Khoa học trong nước. Giáo trình với mục đích đưa vào làm tài liệu phục vụ giảng dạy và giáo trình giáo dục trong Đại học.
Đóng góp ý kiến vào việc xây dựng bộ giáo trình, ông Nguyễn Thạc Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc xây dựng giáo trình, đối với những cuốn giáo trình của Trường Đại học TN&MT TP.HCM, đã làm rõ các nội dung cơ bản; tuy nhiên đối với Trường Đại học TN&MT Hà Nội, đặc biệt trong cuốn giáo trình về quan trắc môi trường chưa làm rõ được các nội dung trọng tâm, vì vậy cần phải triển khai làm rõ những đối tượng quan trắc để đảm bảo sự logic trong giáo trình, đồng thời đối với phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, Trường cần phải sắp xếp lại các thư mục để thể hiện rõ các nội dung quan trọng.
Đại diện Vụ Môi trường đưa ý kiến phát biểu, các nội dung giáo trình cần phải gắn với nội dung nhiệm vụ và chức năng của Bộ, đảm bảo tính pháp lý. Sau khi nhận được giáo trình, tài liệu nội dung liên quan đến đánh giá chiến lược môi trường và đánh giá tác động môi trường, Vụ sẽ tổ chức toạ đàm trao đổi nội bộ, Vụ sẽ mời những chuyên gia có ý kiến phản biện, đóng góp vào quá trình xây dựng giáo trình đào tạo.
Chỉ đạo tại cuộc họp Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu 2 trường cần rà soát kỹ lưỡng đối với các nội dung trong giáo trình về các vấn đề như: Công nghệ môi trường, quan trắc môi trường, đánh giá tác động về môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, quản lý chất thải rắn, kinh tế tuần hoàn theo đúng phương pháp, quy trình thẩm định… để có thể đưa ra các nghiên cứu dự báo cảnh báo, từ đó phục vụ được cho người dân và đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học cùng các giáo trình áp dụng vào thực tiễn.
Để hoàn chỉnh được các giáo trình trình Bộ xét duyệt, 2 Trường cần rà soát lại các dự thảo giáo trình, xác định phương pháp luận trong từng nghiên cứu, xác định rõ tập thể tác giả của từng công trình nghiên cứu và cần phải có ý kiến của những giảng viên, những nhà khoa học, chuyên gia, các cấp quản lý và nhất là những sinh viên theo học ngành TN&MT, yêu cầu sinh viên đọc, nhận xét và đánh giá bổ sung để hoàn thiện các giáo trình hiện có.
Thứ trưởng giao Vụ Môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, sau khi nhận được giáo trình từ các trường cần phải tổ chức nghiên cứu, góp ý cho các giáo trình đó, đặc biệt đối với Ban chỉ đạo, cần nâng cao chất lượng giáo trình, tham mưu cho Bộ không để những việc liên quan đến nội dung, pháp luật, tác giả không phù hợp. Tiếp tục tổ chức các tọa đàm, mời các chuyên gia về đánh giá tác động môi trường và một số doanh nghiệp đưa những ý kiến góp ý vào giáo trình, cung cấp thêm những thông tin cần thiết vào bản dự thảo. Đây là nhiệm vụ, cũng là trách nhiệm của Trường để thực hiện tốt việc hoàn thành giáo trình, đưa vào chương trình giáo dục cốt lõi.