Ngay sau Phiên khai mạc, tiếp tục Chương trình Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, các đại biểu khẳng định, hội nghị là dịp để các nghị sỹ trẻ cùng hướng tới tiếng nói chung, cùng tìm kiếm và xây dựng những giải pháp tối ưu nhất để hướng tới mục tiêu vì một thế giới phát triển bền vững, hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc và tốt đẹp hơn, bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau.
Phản ánh đúng xu thế phát triển, mối quan tâm của các quốc gia
Tiếp tục Chương trình hội nghị, phát biểu đề dẫn về tình hình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và vai trò của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho biết, với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, hội nghị lần này đã phản ánh rất đúng xu thế phát triển và mối quan tâm của các quốc gia hiện nay. Bởi, phát triển bền vững, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của các nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Đại biểu nêu rõ, “đây là một cơ hội vô cùng quý báu để các đại biểu, nghị sĩ trẻ như chúng ta có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về những việc chúng ta đã, đang và sẽ làm, về những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, cũng là dịp để chúng ta cùng hướng tới một tiếng nói chung, cùng tìm kiếm và xây dựng những giải pháp tối ưu nhất để hướng tới mục tiêu vì một thế giới phát triển bền vững, hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc và tốt đẹp hơn, bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong phát biểu ghi hình gửi tới Hội nghị, Phó Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Tomas Lamanauska nhấn mạnh, chủ đề của Hội nghị là vô cùng quan trọng, đặc biệt thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng biến đối khí hậu, với mức nhiệt tăng kỷ lục trong suốt 3 tháng hè vừa qua. Chúng ta cũng chứng kiến cháy rừng khủng khiếp, khói đen ngợp trời ở nhiều nơi trong vài tháng qua. Thời tiết quá khắc nghiệt. Trong khi đó, chúng ta đã đi được gần nửa chặng đường Chương trình nghị sự năm 2030 để thực hiện các SDGs, nhưng hành động để thực hiện các mục tiêu này vẫn chưa đủ quyết liệt. Điều này đòi hỏi hỏi cộng đồng quốc tế phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để đạt được các mục tiêu vào năm 2030.
Bảo đảm khung pháp lý cho thực hiện các SDGs
Chia sẻ về những thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện các SDGs, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho biết trong suốt thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức chung của tình hình thế giới, Việt Nam vẫn luôn là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện và hiện thực hóa các cam kết quốc tế trong quá trình phát triển của mình. Nền kinh tế Việt Nam nhìn chung đã và đang đạt được những kết quả đáng tự hào khi vừa ứng phó hiệu quả với những rủi ro, thách thức từ bên ngoài, vừa giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, củng cố vững chắc quốc phòng an ninh, môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; được cộng đồng quốc tế ghi nhận mà nổi bật là kết quả thực hiện các SDGs, các con số ấn tượng về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu cũng nêu bật những thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong thực hiện các SDGs. Cụ thể, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong bảo đảm an sinh xã hội.
Đó là, việc giảm mạnh tỷ lệ nghèo đa chiều; tăng tỷ lệ bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận điện lưới quốc gia, tỷ lệ tiếp cận năng lượng, phủ sóng điện thoại di động; Độ che phủ rừng được duy trì và tăng dần qua các năm.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 đạt tương ứng là 27,31% và 30,26%, cao hơn mức trung bình toàn cầu (23,4%) và của châu Á (18,6%).
Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cam kết về biến đổi khí hậu thông qua xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26. Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 30 đối tác quan trọng, trong đó có 17 đối tác chiến lược và 13 đối tác toàn diện. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng bình quân 10,5%/năm. Quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng năm 2022 là 8,02%, cao nhất từ năm 1997 đến nay; là điểm đến đầu tư, an toàn và lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào danh sách nhóm 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới với hơn 34.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 430 tỷ USD.
Theo xếp hạng toàn cầu về thực hiện SDGs, nhìn chung, Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt kể từ năm 2015. Trong đó thứ hạng về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs có sự cải thiện, đưa Việt Nam từ vị trí 88 vào năm 2016 lên vị trí 55 vào năm 2022 .
Về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, những năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao các chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế về đổi mới sáng tạo và thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng hơn 20 bậc), là một trong 5 quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển nhất khu vực và xếp hạng 54 về Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang tiến sát top 100 thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu với thứ hạng 111. Việt Nam hiện có 4 kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) gồm VNG, VNLife, MoMo và Sky Mavis cùng nhiều Sart-ups tiềm năng có khả năng thành kỳ lân công nghệ trong thời gian tới. Đồng thời, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, với nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình được ban hành như Luật Đầu tư 2020; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ; các Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi về đổi mới sáng tạo Quốc gia, đã góp phần đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh và bền vững ở Việt Nam.
Đại biểu cho biết thêm, những thành tựu nổi bật kể trên là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị với sự đóng góp, tham gia tích cực và đồng lòng của toàn xã hội trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Trong đó, Quốc hội Việt Nam là cơ quan đóng vai trò trung tâm, thể hiện ở 4 khía cạnh nổi bật.
Một là, vai trò lập pháp của Quốc hội Việt Nam đã được tăng cường, đẩy mạnh để hướng tới hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia, đồng thời, tạo mọi điều kiện cần thiết để hỗ trợ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia.
Hai là, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực công thông qua việc phân bổ ngân sách trung hạn và hàng năm, trong đó đặc biệt hướng trọng tâm tới những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
Ba là, triển khai các hoạt động giám sát hằng năm theo chuyên đề về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại các bộ, ngành và địa phương, tăng cường tính đại diện cho người dân, chuyển tải tiếng nói của người dân trong việc giám sát các hoạt động của nhà nước và tạo điều kiện hơn nữa để người dân và cộng đồng tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật và chính sách.
Bốn là, không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội với mục tiêu xây dựng một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Đại biểu bày tỏ hy vọng rằng các nghị sĩ trẻ sẽ cùng chung tay, đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn cầu.
Thúc đẩy phát triển công nghệ số, bảo đảm sự phát triển bền vững
Cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để đạt được SDGs là tập hợp được sức mạnh của công nghệ số, Phó Tổng Thư ký ITU Tomas Lamanauska nêu rõ, công nghệ số đã chứng minh được sức mạnh của mình, thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới một cách tốt đẹp hơn. Công nghệ số tạo ra những thay đổi về công việc, kinh tế, cách thức sử dụng dịch vụ y tế và các dịch vục ông khác. Công nghệ số cũng có tiềm năng to lớn giúp chúng ta giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, thông qua việc theo dõi khí hậu trái đất qua các vệ tinh, mạng lưới cảm biến thông minh, đến việc hỗ trợ các ngành công nghiệp, tăng cường hiệu suất trong lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp thông minh, cảnh báo sớm thiên tai… Công nghệ số trở nên không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay.
Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký ITU cũng lưu ý, còn 1/3 nhân loại chưa có kết nối mạng, đây là sứ mệnh đặt ra đối với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa – UNESCO, nhằm thúc đẩy truy cập toàn cầu an toàn, bền vững. Đặc biệt là vai trò của những nghị sỹ trẻ, những thế hệ hệ đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo tương lai của đất nước.
Phó Tổng Thư ký ITU nói “75% người trong độ tuổi từ 25 – 24 tuổi sử dụng ineternet và rất nhiều trong số họ đã và đang tạo ra sự thay đổi tích cực với công nghệ, song không phải thanh niên nào cũng có cơ hội gống nhau, nhất là ở những nước còn kém phát triển. Báo cáo của UNESCO trong thời kỳ đại dịch Covid – 19 cho thấy, sự chuyển đổi nhanh chóng sang học trực tuyến đã khiến ít nhất nửa tỷ học sinh trên toàn thế giới, hầu hết là người nghèo, người ở nông thôn bỏ lỡ việc học”.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các công nghệ mới nổi như trí tuệ AI đang ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, bắt kịp khoảng cách số hóa ngà càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Phó Tổng Thư ký ITU cho biết thêm, AI góp phần thúc đẩy việc thực hiện các SDGs, hướng tới hạ tầng số hóa, bảo đảm truy cập an toàn, bền vững với thiết bị giá rẻ và giá cước thấp. Chúng tôi khuyến khích, ủng hộ đầu tư phát triển bền vững, tăng cường sử dụng kỹ năng số hóa, khởi nghiệp đầu tư số hóa. Đồng thời, giải quyết bất bình đẳng số hóa, nhằm bảo đảm mọi người đều có thể chia sẻ cơ hội từ sự kết nối, bất kể nơi sinh sống hay tuổi tác. Chính vì thế, chúng tôi đã có sáng kiến Generation Connect – Sáng kiến này nhanh chóng thu hút các quốc gia đến từ các nước trên thế giới cùng tham gia.
Tất nhiên, chúng ta cũng không làm ngơ và không thể không nhắc đến những rủi ro của công nghệ số như chuyển đổi số đòi hỏi nhu cầu cung cấp năng lượng cho các các mạng lưới, trung tâm dữ liệu ngày càng tăng, rác thải ngày càng nhiều – dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2025; sự bất bình đẳng về tiếp cận công nghệ số… Đây là những vấn đề cần tiếp tục quan tâm và có giải pháp khắc phục.
Thế giới số đang phát triển và các nghị sĩ trẻ nói riêng, thế hệ trẻ nói chung có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghệ số và bảo đảm sự phát triển bền vững – Tổng Thư ký ITU nhấn mạnh.
daibieunhandan.vn