(MPI) – Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và để chuẩn bị lập đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bao gồm: (1) Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật; (2) Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; (3) Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2020; (4) Dự thảo Đề cương chi tiết Luật; (5) Dự thảo Báo cáo kinh nghiệm quốc tế.
Mục đích ban hành Luật để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch; đảm bảo tính cấp thiết, kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Về quan điểm là tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của Luật doanh nghiệp về việc hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh; khắc phục, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Doanh nghiệp hiện hành theo yêu cầu của Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bảo đảm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của Luật Doanh nghiệp gắn với việc thực hiện các chủ trương, định hướng mới của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế và thực hiện cam kết quốc tế…
Tham khảo, cụ thể hóa các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các quy định pháp luật liên quan.
Về phạm vi điều chỉnh, tiếp tục quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.
Đối tượng áp dụng của Luật bao gồm: Doanh nghiệp; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.
Dự thảo Luật cơ bản gồm các nhóm chính sách: Đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật; Hoàn thiện khung khổ thể chế gia nhập thị trường và rút khỏi kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi, an toàn, minh bạch; Hoàn thiện quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp; Thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền; Hình thành cơ sở pháp lý cho hoạt động của cá nhân kinh doanh (thương nhân thể nhân).
Cụ thể, chính sách Đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ của pháp luật với mục tiêu khắc phục sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Doanh nghiệp và các luật khác để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các doanh nghiệp; Khắc phục sự thiếu thống nhất và chưa đồng bộ giữa các quy định trong Luật Doanh nghiệp.
Về nội dung chính sách, sửa đổi quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp để quy định rõ hơn mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp và luật chuyên ngành về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực đặc thù như công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, tài chính…
Sửa đổi Điều 12, Điều 40 Luật Doanh nghiệp để thống nhất với Bộ luật Dân sự về chức năng, nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật và chi nhánh doanh nghiệp.
Sửa đổi Chương IV Luật Doanh nghiệp để phù hợp với quy định mới của Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Sửa đổi Điều 128, 129 và 130 Luật Doanh nghiệp để thống nhất với những sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Sửa đổi, bổ sung Điều 4 để quy định về giải thích các từ ngữ: Người có liên quan của người quản lý doanh nghiệp, người chi phối hoạt động của doanh nghiệp, kê khai khống vốn điều lệ, sở hữu gián tiếp…
Chính sách hoàn thiện khung khổ thể chế gia nhập thị trường và rút khỏi kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi, an toàn, minh bạch với mục tiêu hoàn thiện khung khổ pháp luật về thành lập, đăng ký doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, đảm bảo quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, đồng thời, xử lý một số vấn đề tiêu cực phát sinh trong thực tiễn như tình trạng “góp vốn khống”, “tăng vốn ảo”, thành lập doanh nghiệp không vì mục đích kinh doanh như đăng ký…
Về nội dung chính sách, sửa đổi, bổ sung Điều 17 Luật Doanh nghiệp, vừa để mở rộng đối tượng được được thành lập, quản lý doanh nghiệp, vừa quy định rõ hơn đối tượng bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp gắn với quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ điện tử, cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm tải số lượng thông tin kê khai, hạn chế tình trạng giả mạo thông tin thành lập doanh nghiệp (Điều 19-25).
Sửa đổi, bổ sung quy định về góp vốn, tăng vốn trên nguyên tắc bổ sung giấy tờ xác thực cho việc hoàn thành góp vốn, tăng vốn.
Chính sách hoàn thiện quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp với mục tiêu xử lý vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện quy định về quản trị doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Về nội dung chính sách, chỉnh lý kỹ thuật các quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp chưa thống nhất, chưa rõ ràng, có thể diễn giải hoặc có cách hiểu khác nhau, bao gồm: Quy định rõ hơn những nội dung mà Điều lệ công ty cần xác định cụ thể trên cơ sở nguyên tắc hoặc khung giới hạn (mức trần/mức tối thiểu) theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Sửa đổi Điều 79 để quy định rõ hơn về việc lựa chọn mô hình tổ chức quản lý của công ty TNHH một thành viên; Sửa đổi Điều 76 để quy định rõ hơn thẩm quyền của chủ sở hữu công ty; Sửa đổi Điều 80 để quy định rõ hơn điều kiện họp và thông qua nghị quyết Hội đồng thành viên.
Sửa đổi Điều 81 quy định về hiệu lực quyết định của Chủ tịch công ty có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, đồng thời quy định rõ hơn về trách nhiệm của các thành viên hội đồng thành viên trong trường hợp nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên gây thiệt hại cho công ty và chủ sở hữu.
Sửa đổi Điều 120 quy định rõ hơn về giới hạn chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập đối với DNNN; Sửa đổi Điều 133 để thống nhất cách hiểu về việc mua lại cổ phần theo quyết định của công ty; Sửa đổi Điều 155 để quy định giải thích khái niệm”sở hữu gián tiếp” đối với thành viên độc lập của Hội đồng quản trị; Sửa đổi Điều 170 và Điều 175 để thống nhất chủ thể trình Báo cáo thẩm định của Ban kiểm soát trước Đại hội đồng cổ đông; Sửa đổi Điều 153 để quy định về người có thẩm quyền thay mặt Hội đồng quản trị ký kết hợp đồng lao động với Tổng giám đốc.
Chính sách thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền với mục tiêu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về vấn đề có liên quan, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, tin cậy, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển.
Về nội dung chính sách, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của FATF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về chủ sở hữu hưởng lợi tại Luật Doanh nghiệp như sau: Bổ sung thêm khái niệm về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp (Điều 4 Luật Doanh nghiệp); Bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc nộp và kê khai hồ sơ, nội dung thông tin về CSHHL (Khoản 2 và 3 Điều 8); Bổ sung một khoản về việc lưu giữ thông tin về CSHHL của doanh nghiệp, địa điểm và thời gian lưu trữ thông tin (Điều 11).
Bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong việc thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình là CSHHL; Cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp (khoản 1 Điều 13); Bổ sung về việc cấm phát hành cổ phiếu vô danh (Khoản 7 Điều 16).
Bổ sung thông tin CSHHL tại thành phần hồ sơ đăng ký, thông báo thay đổi đăng ký doanh nghiệp… (Điều 20, 21, 22). Bổ sung nội dung về CSHHL trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Điều 23); Bổ sung Danh sách Chủ sở hữu hưởng lợi (Điều 25 Luật Doanh nghiệp); Bổ sung nội dung về thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp về thông tin CSHHL (Khoản 1 Điều 31) và quy định về việc khai thác thông tin về Chủ sở hữu hưởng lợi (Điều 33).
Bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, cung cấp thông tin khi cần thiết nhằm phục vụ việc xác minh, đối chiếu thông tin về CSHHL và thời hạn lưu trữ thông tin về CSHHL của doanh nghiệp (khoản 1 Điều 216); Bổ sung một điều tại Luật Doanh nghiệp quy định về trách nhiệm của Chủ sở hữu hưởng lợi.
Chính sách hình thành cơ sở pháp lý cho hoạt động của cá nhân kinh doanh (thương nhân thể nhân) với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của các chủ thể kinh doanh là cá nhân.
Về nội dung chính sách, xây dựng khung pháp luật chung điều chỉnh chủ thể kinh doanh là cá nhân với nội dung chủ yếu sau đây: Hình thức pháp lý: Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Đặc điểm pháp lý: Chủ thể kinh doanh không có tư cách pháp nhân, do cá nhân sở hữu, thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình đầu tư, mua bán hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp dịch vụ trên thị trường trong những lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm và pháp luật cho phép hoạt động dưới hình thức cá nhân nhằm mục đích sinh lợi.
Phạm vi điều chỉnh: Điều kiện trở thành cá nhân kinh doanh, các trường hợp đăng ký kinh doanh, miễn trừ đăng ký kinh doanh, hoạt động kinh doanh và chấm dứt kinh doanh.
Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV cho ý kiến./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-7/Xay-dung-du-thao-Ho-so-de-nghi-xay-dung-Luat-Doanhn76sjp.aspx