Ngày mai 6/4, Tỉnh ủy (khóa XXII) tổ chức Hội nghị lần thứ 11 theo chương trình công tác năm 2023. Trong đó, có nội dung đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; thực hiện kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, gắn phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ được các tổ chức trong hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện, đạt nhiều kết quả và chuyển biến tích cực.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh cơ bản đảm bảo về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay.
Từng bước nâng cao chất lượng
Thời gian qua, huyện Nam Giang chú trọng chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác cán bộ.
Đến nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các phòng, ban, đơn vị cấp huyện có trình độ đại học chuyên môn trở lên chiếm 94,97%; cao cấp lý luận chính trị chiếm 73,68%; cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm 40,35%; cán bộ nữ chiếm 21,05%; cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chiếm 17,54%.
Để đạt được kết quả này, huyện quan tâm đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số tại địa phương. Từ năm 2018 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cử 126 lượt cán bộ đi đào tạo lý luận chính trị; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở 2 lớp Trung cấp lý luận chính trị tại huyện cho 175 đồng chí. Cùng với đó, địa phương cử hàng trăm lượt cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quán triệt và lãnh đạo tổ chức thực hiện công tác cán bộ bằng quyết tâm chính trị cao nhất.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, khó và phức tạp thì được tập thể cấp ủy thảo luận kỹ lưỡng, phát huy cao nhất nguyên tắc tập trung dân chủ, bám sát quy chế làm việc (ý kiến khác được bảo lưu), gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
Phương thức lãnh đạo đối với công tác tổ chức, cán bộ được thực hiện toàn diện, nghiêm túc, nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, khắc phục tình trạng chia cắt hoặc thiếu liên thông giữa quản lý cán bộ của Đảng với quản lý công chức, viên chức của Nhà nước.
Loại bỏ những quy định chồng chéo gây cản trở trong quản lý cán bộ và công tác cán bộ. Chuẩn hóa việc ban hành văn bản, quy trình, phương pháp tiến hành công tác cán bộ; chuẩn hóa việc rà soát nhân sự, không bỏ trống bất cứ mặt nào. Triển khai đồng bộ, hợp lý, phù hợp, hài hòa giữa chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, không gian, điều kiện cho cán bộ phát huy. Bám sát các quy định của Đảng, Nhà nước về thẩm quyền, gắn với ràng buộc rõ trách nhiệm giữa tập thể, cá nhân, hạn chế điểm nghẽn, lỗ hổng dễ phát sinh tiêu cực trong công tác cán bộ.
Xác định và thực hiện giải pháp trọng tâm, đột phá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương số 26, trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Giang đã ban hành Quy định số 13 ngày 31/5/2022 về đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của huyện.
Ông Lê Văn Hường – Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho hay, qua thời gian thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là đánh giá được năng lực của cán bộ, công chức, trước hết là người đứng đầu trong việc xác định nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng kế hoạch năm, quý, tháng, tuần.
Thông qua đó, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bằng sản phẩm cụ thể, đa chiều, liên tục, hạn chế tình trạng nể nang, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ.
Ngoài ra, Nam Giang thực hiện chủ trương bố trí bí thư, chủ tịch UBND xã, thị trấn không phải là người địa phương tại 5 địa phương (Đắc Pre, Đắc Tôi, Zuôih, Tà Pơơ, Tà Bhing). Việc bố trí này đã nâng cao được tinh thần trách nhiệm của cán bộ, khắc phục, ngăn chặn được tình trạng cục bộ, người nhà, người thân, lợi ích nhóm, làm ảnh hưởng tới công tác cán bộ và điều hành các hoạt động kinh tế – xã hội ở địa phương.
“Nhờ thực hiện tốt công tác cán bộ, đến nay đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở được xây dựng, củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao” – ông Hường nhìn nhận.
Đưa vào quy hoạch tạo nguồn
Chia sẻ kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 26 tại địa phương, ông Phan Văn Dương – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước đánh giá, nhìn chung chất lượng đội ngũ, cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống tốt, tiến bộ cả về chính trị và năng lực công tác, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều cán bộ trẻ, nữ, có năng lực, triển vọng phát triển được đưa vào quy hoạch tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài cho huyện.
Trên cơ sở kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ và công tác theo dõi, giám sát thường xuyên, cũng như từ đề xuất nguồn nhân sự quy hoạch cán bộ chủ chốt của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ của huyện, Ban Thường Huyện ủy Tiên Phước thảo luận, xem xét kỹ lưỡng để bổ sung nhân sự từ nơi khác vào quy hoạch cán bộ chủ chốt các cơ quan, ban, ngành của huyện.
Theo ông Phan Văn Dương, việc thực hiện quy trình đưa vào quy hoạch đối với cán bộ từ nguồn nơi khác được thực hiện đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan. Tất cả trường hợp đưa vào quy hoạch đều có ý kiến tham gia và thống nhất của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác và nơi cán bộ được đưa vào quy hoạch.
“Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý được thực hiện cơ bản đảm bảo về hệ số, số lượng, cơ cấu; chủ động quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu bố trí cán bộ trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, kịp thời rà soát đưa ra khỏi quy hoạch 107 lượt cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không có triển vọng phát triển, uy tín thấp, kể cả những trường hợp thực hiện không đúng quy trình, quy định đối với trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt” – ông Dương cho hay.
Ông Bùi Văn Hoàng – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Núi Thành nói, bám sát 2 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhiệm vụ đột phá tại Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho từng năm.
Qua đó nhằm tạo nguồn đội ngũ cán bộ đạt chuẩn về trình độ, chuyên môn, lý luận chính trị, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các quy định của Huyện ủy về công tác cán bộ được quy định cụ thể, chặt chẽ, quản lý cán bộ theo hướng đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để cán bộ phát triển…