Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi cán bộ, đảng viên và công dân. Vì, bất cứ hành động nào làm ảnh hưởng đến nền hoà bình, độc lập, thịnh vượng của đất nước cũng đáng bị lên án. Ðể thực hiện sứ mệnh này, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có dũng khí.
Tranh: Minh Tấn
Những vấn đề đáng lưu tâm
Ðội ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương ngày càng trưởng thành; có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng; có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu; có ý thức tổ chức, kỷ luật; trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ ngày càng nâng cao; nhiều cán bộ có tâm huyết, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Song, đứng trước yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập, phát triển của đất nước, nhất là trước yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đòi hỏi sự cống hiến của cán bộ, đảng viên ngày càng cao.
Thực tế đáng quan tâm là hiện tại vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thờ ơ trước việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng. Ðã có không ít trường hợp người dân bình luận, suy diễn về những vấn đề thời sự trong tỉnh, trong nước sai bản chất sự việc trước mặt cán bộ, đảng viên mà không nhận được phản ứng tích cực. Nguy hiểm hơn sự im lặng ấy, khi có cán bộ, đảng viên còn a dua, phụ hoạ theo số đông người dân vốn nhận thức còn hạn chế. Từ đó, những thông tin xấu, độc có “cơ hội” xâm nhập vào cộng đồng.
Một số cán bộ, đảng viên còn mơ hồ, chưa nhận diện sâu sắc, toàn diện về âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Ðiều này dẫn đến thực trạng một mặt công tác nhận diện, đấu tranh, phản bác yếu kém, mặt khác thể hiện qua việc phát ngôn, hành động của cán bộ, đảng viên thiếu chuẩn mực. Ðã có không ít trường hợp cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội thiếu trách nhiệm; chia sẻ bài viết, thông tin chưa được kiểm chứng; bình luận, ý kiến cá nhân thiếu tính xây dựng… gây phản cảm, giảm sút niềm tin của quần chúng Nhân dân.
Từ thực trạng này đã chỉ ra mấy vấn đề: Thứ nhất, về ý thức và nhạy bén chính trị, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, trong tuyên truyền, vận động quần chúng còn hạn chế. Thứ hai, họ ngại va chạm, vì khi nêu quan điểm trái ngược với số đông dẫn đến tranh luận, cự cãi, mất thời gian, phiền phức. Thứ ba, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn hạn chế; lại không nắm vững tình hình thời sự trong nước, quốc tế, nên không đủ kiến thức, thông tin để nêu chính kiến bản thân. Thứ tư, không có bản lĩnh, thấy đúng không dám bảo vệ; thấy sai không dám đấu tranh, phản bác.
Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ
Dũng khí của người cán bộ, đảng viên được thể hiện từ trong kháng chiến, anh dũng đối đầu trước những kẻ thù hùng mạnh để đi đến thắng lợi cuối cùng; vượt qua khó khăn, thử thách của những năm tháng xây dựng đất nước trên đống đổ nát chiến tranh; linh hoạt, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vận hội mới trong quá trình hội nhập, phát triển. Dũng khí của người cán bộ, đảng viên còn được thể hiện trong tự phê bình và phê bình, dám nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót của bản thân để khắc phục, sửa chữa, hoàn thiện. Nhất là dũng khí xa rời cám dỗ quyền lực, tiền tài, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết… Tất cả đã tạo nên đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Ðảng ta luôn quan tâm công tác cán bộ, nhất là công tác cán bộ cấp chiến lược. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 26-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, khoá XII, xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng khẳng định: Cán bộ là then chốt của then chốt, đồng thời nhấn mạnh hai vấn đề. Thứ nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ tâm, đủ tầm, đủ tài, đủ đức để lãnh đạo, đưa công cuộc đổi mới ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Thứ hai, phải có cơ chế để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung./.
Ðỗ Chí Công