Cùng nhân dân lập làng mới
Với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới, ngày 1/4/2019, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã triển khai thực hiện đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” giai đoạn 2019-2025 tại Bình Phước, Tây Ninh và Long An nhằm hiện thực hóa quan điểm: Mỗi người dân là cột mốc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Các hộ dân tại các điểm dân cư này sẽ là lực lượng tại chỗ, tích cực tham gia cùng các lực lượng bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh biên giới; hướng tới sự phát triển thành các ấp, xã, thị trấn biên giới, qua đó tăng cường sức mạnh lòng dân trong xây dựng khu vực phòng thủ và bảo đảm tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Tư lệnh Quân khu 7 khẳng định: “Dân là chỗ dựa, là lực lượng quan trọng nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới sẽ không thể hoàn thành nếu không dựa vào sức mạnh của nhân dân.
Chính vì vậy, thực hiện đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” trong tình hình hiện nay là nhiệm vụ, yêu cầu bức thiết, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, từ sớm, từ xa”.
Thời gian qua, với sự hưởng ứng tích cực của cấp ủy, chính quyền các địa phương, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã triển khai đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và kế hoạch xây dựng điểm dân cư liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng làm tâm điểm phát triển, tăng dần dân cư trên toàn tuyến biên giới, để nhân dân thật sự tham gia tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; góp phần bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.
Ðến cuối năm 2023, tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Long An đã xây dựng, khánh thành, bàn giao 45 điểm với 435 căn nhà liền kề chốt dân quân biên giới; 13 điểm với 86 căn nhà liền kề đồn, trạm, biên phòng và đã đưa dân lên sinh sống ổn định; một số điểm dân cư đã phát triển thành khu, cụm dân cư biên giới. Ðây chính là sự thể hiện quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương trên địa bàn Quân khu 7, trong đó có tỉnh Bình Phước.
Nhân dân bám biên giới vững vàng
Tại huyện Bù Ðốp có 4 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, trong đó điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa được xây dựng khang trang với đầy đủ điện, đường, nước sinh hoạt. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lê Quang Oanh cho biết: “Nhờ thực hiện đề án Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, diện mạo kinh tế-xã hội vùng biên giới của huyện có sự khởi sắc, quốc phòng-an ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, góp phần tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng thủ liên hoàn khép kín, vững chắc trên tuyến biên giới.
Có mặt tại một điểm dân cư biên giới tại xã Thanh Hòa, huyện Bù Ðốp, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp, thân thuộc của những ngôi làng được hình thành từ lâu. Tuy nhiên, khi hỏi người dân nơi đây mới biết đây là điểm dân cư liền kề chốt dân quân mới được thành lập cách nay ít năm. Ðiểm dân cư được lập lên ở một vị trí đất bằng phẳng, đường nội bộ được bê-tông hóa và kết nối với hệ thống giao thông của huyện bằng tuyến đường nhựa.
Từ điểm dân cư này đến đường tuần tra biên giới và ra trung tâm xã lưu thông rất thuận tiện với thời gian di chuyển chưa đầy 10 phút. Ðảng viên Vũ Viết Quý ở khu dân cư biên giới liền kề chốt dân quân xã Thanh Hòa, chia sẻ, xác định ra biên giới sinh sống là khó khăn; tuy nhiên vượt qua những ngày đầu lập nghiệp giờ ai ai cũng tâm vững, chí bền, đồng lòng xây dựng khu dân cư ngày một giàu đẹp.
Khu dân cư ngày càng đông, Ban ấp vận động các hộ dân tham gia hội cựu chiến binh, tổ chức đoàn thanh niên, hội nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, hội chữ thập đỏ… Tổ an ninh khu dân cư biên giới cũng được thành lập, đây là một trong những hậu phương vững chắc của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và lực lượng dân quân trong những ngày chống dịch Covid-19 cũng như giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Phạm Hữu Phụ được tín nhiệm cử làm Tổ trưởng an ninh.
Ông Phụ thường xuyên tranh thủ thời gian rảnh đi nắm bắt địa bàn và tình hình dân cư. Nếu phát hiện có đối tượng lạ vào địa bàn là ông báo ngay lực lượng chức năng; những vướng mắc trong khu dân cư đã được ông phân giải kịp thời. Ông Phụ cũng thường dành thời gian tuyên truyền, hướng dẫn người dân nêu cao cảnh giác với những kẻ xấu lôi kéo, gây mất an ninh trật tự ở khu dân cư. Nhờ vậy nhiều năm nay, khu vực ấp 3, xã Thanh Hòa không xảy ra vi phạm quy chế biên giới, an ninh trật tự ổn định.
Nhờ có đủ cơ sở hạ tầng, ổn định về an ninh, đến nay hai điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa đã có 106 hộ đến định cư ổn định. Ngoài thời gian lao động sản xuất làm giàu cho vùng đất biên giới, các hộ dân nơi đây tranh thủ trồng hoa, cây cảnh dọc các tuyến đường; trồng rau màu tươi tốt tạo nên một khu dân cư yên bình nơi biên giới. Qua đó cho thấy cuộc sống người dân nơi đây đã thật sự an cư, bám rễ ổn định và chắc chắn ở vùng đất biên giới của Tổ quốc.
Tại huyện biên giới Lộc Ninh có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài hơn 109 km, tiếp giáp với huyện Mimốt (tỉnh Tbong Khmum) và huyện Sanuol (tỉnh Kratie); phía huyện Lộc Ninh có 7 xã biên giới, 6 đồn biên phòng đứng chân với một Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, một Cửa khẩu quốc gia Lộc Thịnh-Tôn Lê Chàm và một lối mở Lộc Tấn-Tuần Lung. Lộc Ninh có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Bí thư Huyện ủy Lê Trường Sơn cho biết, thực hiện đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn huyện, đến nay đã xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 54 căn nhà tại 4 điểm khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc các xã: Lộc Hòa, Lộc An, Lộc Thiện, Lộc Thịnh. Cùng với đó, huyện cũng phối hợp triển khai xây dựng 200 căn nhà cho các hộ dân trên tuyến biên giới do Bộ Quốc phòng hỗ trợ.
Ðây là mô hình vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, vừa mang tầm chiến lược lâu dài nhằm hình thành chỗ dựa vững chắc hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, đồng thời thực hiện chính sách an dân giữ đất biên cương, góp phần nâng cao sức mạnh tổng lực của thế trận lòng dân, tăng cường sức mạnh khu vực phòng thủ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển.
Là 1 trong 5 hộ dân đầu tiên lên định cư tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Lộc An, huyện Lộc Ninh từ năm đầu triển khai đề án, anh Hoàng Hữu Tâm chia sẻ: “Cuộc sống những ngày đầu lên nơi ở mới nhiều vất vả nhưng là gia đình trẻ, điều kiện kinh tế ban đầu còn rất khó khăn, để “ra riêng” với nhà cửa, đất đai tươm tất như hiện nay là không dễ. Nhờ chủ trương của Quân khu 7, đời sống anh em dân quân chúng tôi sớm ổn định, an tâm bám biên cùng lực lượng chức năng và chính quyền địa phương giữ vững bình yên trên tuyến biên giới”.
Sau 5 năm triển khai Ðề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, người dân yên tâm bám đất, lập giữ làng, tự nguyện là tai, là mắt cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; lực lượng vũ trang dựa vào dân để bảo vệ biên giới, dân dựa vào lực lượng vũ trang để an tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.
Quyết sách tăng dày dân cư ở khu vực biên giới giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, an ninh và đối ngoại, tạo thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Nguồn: https://nhandan.vn/vung-vang-noi-bien-cuong-to-quoc-post832242.html