Phát triển ngành thiết kế vi mạch và công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đang là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để phát triển cả về cơ sở hạ tầng cũng như năng lực nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, triển khai sản xuất.
Nhằm đáp ứng nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng, các trường đại học ở Việt Nam hiện đang đẩy mạnh xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Chia sẻ tại Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 9 về Thiết kế và kiểm chứng vi mạch tích hợp (Hội nghị ICDV 2024) đang diễn ra tại Hà Nội, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – ông Phạm Bảo Sơn cho biết, đơn vị này hiện đang xây dựng đội ngũ các nhà khoa học tuyến đầu về các ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn.
Nắm trong tay 6 phòng thí nghiệm, 9 nhóm nghiên cứu về công nghệ bán dẫn, khoa học vật liệu và thiết kế chip, Đại học Quốc gia Hà Nội đang xây dựng chương trình nghiên cứu chip bán dẫn và đề án đầu tư phát triển trung tâm về công nghệ bán dẫn, vi mạch.
Trung tâm này sẽ trở thành Hub về đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhằm kết nối giữa nhà khoa học với nhà khoa học, nhà trường với doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Trên thực tế, Trường Đại học Công nghệ, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu đào tạo về thiết kế vi mạch từ rất sớm. Năm 2006, trường đã xây dựng các phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu về thiết kế vi mạch, công nghệ vật liệu nano, đồng thời trang bị được các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc đào tạo thiết kế và đo kiểm vi mạch.
Theo GS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), bán dẫn là ngành công nghiệp hội tụ đầy đủ tri thức các lĩnh vực, đặc biệt là khoa học cơ bản và công nghệ lõi liên quan.
Xuất thân là một đại học đa ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội có thế mạnh về khoa học cơ bản và nghiên cứu công nghệ lõi. Đây là lợi thế lớn để Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia vào đào tạo nhân lực thuộc ngành chip bán dẫn.
Với hơn 20 năm đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, GS.TS Trần Xuân Tú cho biết, trong thời gian tới, Đại học Quốc gia Hà Nội cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và các công nghệ lõi, tiền đề để phát triển lĩnh vực bán dẫn.
Viện Công nghệ Thông tin hiện đã và đang triển khai đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng thiết kế vi mạch cho đội ngũ giảng viên các trường đại học ở miền Trung và miền Bắc nhằm góp phần đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tán, đưa thuật toán AI ra điện toán biên, thiết bị biên, thiết bị IoT… đang dần chiếm ưu thế. Điều này tạo ra một xu thế công nghệ mới, phát triển các con chip AI hay chip trí tuệ nhân tạo.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị ICDV 2024 chủ yếu tập trung vào các nội dung liên quan đến việc phát triển phần cứng tăng tốc thuật toán AI, chip AI cho điện toán biên nhằm ứng dụng vào đời sống, đặc biệt cho an ninh, quốc phòng.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/xay-dung-de-an-phat-trien-trung-tam-cong-nghe-ban-dan-vi-mach-2288962.html