23/05/2023 06:06
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” và đó chính là cội nguồn làm nên sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.
Bác chỉ rõ: Cán bộ, đảng viên không phải là thần thánh. Họ đều là con người nên ai cũng có hai mặt tốt- xấu, thiện-ác. Trong điều kiện môi trường tốt, nếu cán bộ, đảng viên nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện thì mặt tốt, mặt thiện sẽ nổi lên, đẩy lùi mặt ác, cái xấu và ngược lại.
Bác đưa ra tiêu chí người cán bộ tốt, là phải có đức có tài, trong đó, đức là gốc. Không có đạo đức thì “dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Trên cơ sở tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đại hội XII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bổ sung một số điểm mới so với Đại hội lần thứ XI.
|
Theo đó, hai nhiệm vụ, giải pháp được bổ sung, là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Lần đầu tiên, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức cũng được xác định cụ thể, nâng tầm công tác xây dựng Đảng lên bốn trụ cột, về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận, trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên…
Xây dựng Đảng về đạo đức luôn nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Từ thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có thể nhận thấy, xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay là vấn đề lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa là mục tiêu vừa là giải pháp cần thực hiện.
Quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, yêu cầu xây dựng Đảng về đạo đức đã được Tỉnh ủy Kon Tum tập trung lãnh đạo thực hiện. Trong đó, Tỉnh ủy Kon Tum chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng về yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ xây dựng Đảng về công tác này. Đồng thời, chỉ đạo các TCCSĐ tập trung khắc phục cho bằng được hiện tượng một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hành tự phê bình và phê bình; thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân về công tác xây dựng Đảng để có hành động đúng đắn, điều chỉnh phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, chú trọng trách nhiệm nêu gương, tự giác “học trước, làm theo trước” của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên.
Nỗ lực xây dựng Đảng về đạo đức của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đã và đang đạt được những kết quả quan trọng. Công tác đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cũng như những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.
Thanh Như