Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều luận cứ chứng minh chùa Quỳnh Viên trên núi Nam Giới (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) là nơi phát tích đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.
Chùa Quỳnh Viên nằm trên núi Nam Giới (xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà) nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Nam
Vừa qua, tại Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà), Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trường Đại học Vinh tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử – văn hóa Phật giáo Việt Nam”.
Hội thảo quy tụ nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và Phật giáo hàng đầu cả nước như: GS. Thiền sư Lê Mạnh Thát; PGS. TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo…
Toàn cảnh hội thảo khoa học quốc gia “Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử – văn hóa Phật giáo Việt Nam” diễn ra cuối tháng 3/2023.
Dưới sự tham dự và chứng minh của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều luận cứ chứng minh: Cách đây khoảng 2.200 năm, tại chùa Quỳnh Viên nằm trên núi Long Ngâm (núi Nam Giới, thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà ngày nay), nhà sư Phật Quang, người Ấn Độ trên đường đi truyền bá đạo Phật sang các nước châu Á đã dừng lại tại đây để truyền đạo. Và vị phật tử đầu tiên của Việt Nam được nhà sư nhận làm đệ tử chính là Chử Đồng Tử. Do đó, chùa Quỳnh Viên được xem là nơi phát tích đầu tiên của Phật giáo ở Việt Nam.
Cùng những luận cứ từ các thư tịch cổ và ghi chép lịch sử, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra những bằng chứng dấu tích còn sót lại trên đỉnh núi Long Ngâm hiện nay như: chùa Quỳnh Viên, nền nhà Chử Đồng Tử và Tiên Dung xây dựng được ghép bằng nhiều phiến đá lớn; những mảnh ruộng được cải tạo trồng trọt…
Một phần móng nền nhà được cho là Chử Đồng Tử đã lập nên cách đây khoảng 2.200 năm, nằm trên đỉnh Long Ngâm (núi Nam Giới).
Nằm phía Tây núi Nam Giới, chùa Quỳnh Viên ở lưng chừng dãy Long Ngâm, hướng mặt ra lạch Cửa Sót, phía bên kia là xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà). Phía bắc chùa cách chừng khoảng 300m là đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lối vào chùa Quỳnh Viên khi thủy triều xuống.
Khác với nhiều ngôi chùa được đầu tư tôn tạo gần đây ở Hà Tĩnh, chùa Quỳnh Viên khá nhỏ bé và giản dị nép mình sâu trong rừng cây um tùm.
Ngoài lối lên chùa khoảng vài trăm bậc đá, song song với một con suối nhỏ đổ ra biển Cửa Sót, chưa có con đường chính thức nào để lên chùa bằng đường bộ. Do vậy, khi thủy triều lên, chùa Quỳnh Viên trở nên biệt lập với thế giới bên ngoài.
Trước cổng chùa Quỳnh Viên.
Chùa Quỳnh Viên có tổng diện tích hiện tại khoảng 6.700 m2, khuôn viên chùa có 3 công trình chính gồm: chùa thờ Phật (có 3 gian thượng, trung, hạ) tổng diện tích khoảng 40 m2; kế bên phải là đền thờ Thánh mẫu khoảng 15 m2; bên trái chùa chính là một am thờ nhỏ. Ngoài ra có 2 công trình khác là một nhà soạn lễ và một nhà tăng.
Chùa có một giếng nước trước sân, được cho là có từ rất lâu đời và một số cây bàng cổ. Tất cả công trình đều do các phật tử quanh vùng Cửa Sót thuộc huyện Lộc Hà và Thạch Hà góp công xây dựng, tôn tạo.
Chùa Quỳnh Viên giản dị với ít công trình được các phật tử đóng góp xây dựng
Theo ghi chép của Ban hộ trì chùa Quỳnh Viên, chùa có nguồn gốc xây dựng từ rất lâu, tuy nhiên do thời gian và chiến tranh chùa nhiều lần bị đổ, hư hại. Trong đó năm 1963, chùa bị máy bay Mỹ ném bom phá sập hoàn toàn, chỉ còn lại một đống đổ nát.
Vào năm 1973, phật tử và người dân các xã Thạch Kim, Thạch Bằng (nay là thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà), Thạch Đỉnh, Thạch Bàn (nay là xã Đỉnh Bàn – Thạch Hà) cùng nhau tôn tạo lại. Năm 2011, chùa được tu sửa thêm nhiều hạng mục, trở thành nơi đi về của phật tử gần xa. Dù vậy, so với giá trị lịch sử, văn hóa, thì hiện tại, chùa chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, tôn tạo đúng tầm với vai trò là nơi phát tích đầu tiên của Phật giáo Hà Tĩnh cũng như cả nước.
Công trình chính của chùa Quỳnh Viên là điện thờ Phật gồm 3 gian thượng, trung, điện
Là một cư sỹ trong gia đình có truyền thống 3 thế hệ hộ tự, công quả ở chùa, gồm: ông nội, bố và bản thân, ông Trần Ngọc Thanh (SN 1957, ở thị trấn Lộc Hà) – Trưởng ban Hộ tự chùa Quỳnh Viên cho biết: “Từ lâu chùa Quỳnh Viên nổi tiếng linh thiêng, là chỗ dựa tâm linh của ngư dân đi biển vùng Cửa Sót.
Tuy nhiên, do nằm ở vị trí cách biệt, mặt khác đời sống ngư dân đa số khó khăn nên việc xây dựng chùa, dù đã cố gắng cũng chưa được như mong muốn. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền, các tổ chức đầu tư xây dựng để chùa có được cơ sở thờ tự khang trang xứng tầm với vị thế của ngôi chùa cổ nhiều giá trị”.
Ông Trần Ngọc Thanh (áo nâu) trao đổi với ông Phạm Công Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn về công việc ở chùa.
Ông Phạm Công Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết: “Với những giá trị to lớn, chính quyền và Nhân dân xã Đỉnh Bàn rất mong muốn xây dựng chùa Quỳnh Viên trở thành di tích xứng tầm vị thế. Tuy nhiên, hiện nay chùa Quỳnh Viên vẫn chưa được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Vì vậy, có những trở ngại để có thể kêu gọi đầu tư xây dựng, tôn tạo”.
Được biết, vừa qua, song song phối hợp với một số đoàn nghiên cứu đi thực địa các di chỉ xung quanh chùa Quỳnh Viên trên núi Nam Giới, UBND xã Đỉnh Bàn cũng đã làm tờ trình kiến nghị UBND huyện Thạch Hà và Sở VH-TT&DL lập hồ sơ để công nhận chùa là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Dù có nhiều giá trị nhưng đến nay, chùa Quỳnh Viên vẫn chưa được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, du lịch thì chùa Quỳnh Viên không chỉ có giá trị lớn về lịch sử văn hóa, chùa còn nằm trong quần thể núi Nam Giới có nhiều di tích đã được xếp hạng và thắng cảnh như: đền Lê Khôi, bãi biển Quỳnh Viên, bãi tắm Thạch Hải… Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Nếu được đầu tư xây dựng xứng tầm, chùa Quỳnh Viên sẽ là địa chỉ thu hút du khách mọi miền về đây tham quan.
Bản đồ họa 3D xây dựng chùa Quỳnh Viên trong tương lai do một đơn vị thiết kế lập. Ảnh: UBND xã Đỉnh Bàn cung cấp.
“Cùng với xây dựng hồ sơ trình lên Sở VH-TT&DL đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh cho chùa Quỳnh Viên, hiện chúng tôi cũng đang tiến hành xem xét lập quy hoạch mở rộng khuôn viên chùa, xin chủ trương của tỉnh trong việc đầu tư xây dựng di tích này.
Với nhiều lợi thế về giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh, vị trí địa lý, thắng cảnh để phát triển du lịch, chúng tôi tin tưởng, nếu được chấp thuận xây dựng, chùa Quỳnh Viên và hệ thống di tích, thắng cảnh núi Nam Giới sẽ là điểm đến hút khách trong tương lai”.
Ông Nguyễn Bá Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà
Thiên Vỹ