Xây dựng chính sách hỗ trợ mô hình thí điểm phát triển “Điểm du lịch cộng đồng”
Tỉnh Bắc Kạn chủ trương sẽ tập trung áp dụng một số chính sách hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình phát triển điểm du lịch cộng đồng với mục đích tạo “đòn bẩy” cho sự phát triển bền vững của loại hình du lịch này.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn (khóa XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như định hướng khai thác tiềm năng thế mạnh của loại hình du lịch cộng đồng, tỉnh Bắc Kạn chủ trương sẽ tập trung áp dụng một số chính sách hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình phát triển điểm du lịch cộng đồng với mục đích tạo “đòn bẩy” ban đầu cho sự phát triển bền vững của loại hình du lịch này.
Người dân thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu (Ba Bể) biểu diễn các tiết mục văn nghệ mang bản sắc truyền thống phục vụ du khách |
Trên cơ sở giới thiệu của các huyện, thành phố về danh sách các thôn, bản có tiềm năng phát triển thành các điểm du lịch cộng đồng và qua thăm nắm, đánh giá thực trạng. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khảo sát thực địa trên địa bàn 17 thôn, bản có tài nguyên và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, qua đó cho thấy nguồn tài nguyên du lịch của các thôn rất phong phú, đa dạng và có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng như: Có hệ thống sông, suối, thác nước, rừng tự nhiên và những ruộng bậc thang đẹp và nguyên sơ, chưa bị khai phá tác động nhiều bởi con người, đi cùng với đó là hệ thống sinh thái đa dạng, phong phú tạo nên bức tranh thiên nhiên hấp dẫn cho phát triển du lịch.
Hầu hết, tại các thôn, bản khảo sát người dân vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của mình như nếp nhà, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, trò chơi dân gian và các món ẩm thực dân tộc. Đi cùng với đó là hệ thống các di tích lịch sử văn hóa mang nhiều giá trị. Đây là nguồn tài nguyên có thể tạo thành những sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa cho khách du lịch.
Du khách nước ngoài đến với hồ Ba Bể |
Các cấp cơ sở và người dân tại các điểm khảo sát sau khi được phổ biến có mong muốn được Nhà nước quan tâm, quy hoạch để phát triển thôn thành điểm du lịch cộng đồng, qua đó, sẽ định hướng, tạo điều kiện để phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ, hoạt động không chuyên nghiệp và kém hiệu quả. Toàn tỉnh chưa có điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chí theo quy chuẩn quốc gia. Còn thiếu các chính sách ưu đãi riêng cho hoạt động du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho cộng đồng người dân, doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về du lịch Bắc Kạn trong thời gian tới, việc xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm phát triển “Điểm du lịch cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2023 – 2026 là hết sức cần thiết.
Dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ mô hình thí điểm phát triển “Điểm du lịch cộng đồng” do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu xây dựng đang trong quá trình xin ý kiến đóng góp của các sở, ban ngành, đoàn thể UBND các huyện thành phố và các đơn vị, địa phương liên quan, trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tập trung vào 04 nhóm chính sách đó là: Hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn để làm căn cứ cho đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch cho mô hình thí điểm phát triển “Điểm du lịch cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2023 – 2026 đạt chuẩn theo quy định. Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; lãi suất vay vốn ngân hàng và chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch cộng đồng.
Anh Đổng Văn Hoán, hộ kinh doanh du lịch tại Ba Bể cho rằng: “Nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển du lịch nói chung, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng thì với điều kiện hiện tại của người dân miền núi sẽ rất khó có thể khởi nghiệp. Tuy nhiên chính sách cần sát với thực tế, đầu tư hướng tới sự phát triển bền vững, tránh dàn trải và cần công khai minh bạch và công bằng trong quá trình thực hiện”./.