Không thể chậm trễ hơn được nữa, hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả – điều này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (Nghị quyết số 18).
Ngày 25/10/2017 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18, trong đó, Nghị quyết có đặt ra yêu cầu tinh giản biên chế; bởi lẽ, dù đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận nhưng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp… Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Nghị quyết cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp; tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều; việc bổ nhiệm cấp “hàm” ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lý. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế.
Tinh thần của Nghị quyết là như vậy, nhưng 7 năm qua, các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện chưa đáng kể so với mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả. Nhìn sâu xa hơn, tình trạng bộ máy cồng kềnh và tình trạng một cửa nhưng nhiều người giữ khóa khiến cho các thủ tục hành chính còn nhiêu khê – điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp. Giải pháp căn cốt đó chính là tháo gỡ tình trạng nhiều người cùng giữ khóa hay nói cách khác là tinh giản bộ máy.
Theo như Quyết định 71-QĐ/TW và Quyết định 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị giao tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đến năm 2026 của khối Quốc hội, các cơ quan Đảng, Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội, Chính phủ quản lý từ Trung ương đến cấp huyện là 1.753.999 người. Với số lượng cán bộ, công chức, viên chức này nguồn ngân sách cấp cho tiền lương là rất lớn; ngoài tiền lương còn các khoản chi thường xuyên khác để duy trì bộ máy, các khoản chi cho cải cách tiền lương theo lộ trình. Tổng chi vì thế tăng cao, ngân sách sẽ phải chịu một gánh nặng quá tải.
Trong khi đó, nếu mỗi cơ quan trong hệ thống các cơ quan Đảng, Mặt trận, Chính phủ, Quốc hội tinh giản được từ 15-20% thì ngân sách chắc chắn sẽ giảm nhiều hơn. Theo đó, tinh gọn được bộ máy sẽ giảm chi thường xuyên và giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước (20%) đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ, công chức, viên chức. Khoản tiết kiệm này sẽ có thể sử dụng cho tái đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 18 (ngày 12/12/2024), đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy. Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại phiên họp này, sắp xếp, tinh gọn bộ máy song phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả, các chức năng, nhiệm vụ không bỏ, thậm chí có những nhiệm vụ phải tăng cường; giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục, tăng cường cho cơ sở, xóa bỏ quan liêu bao cấp, tăng cường chuyển đổi số, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tham nhũng vặt, giảm phiền hà sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình hoàn thiện, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống “chạy chọt”, chống lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin cho.
Trước đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã có một hội nghị quán triệt việc thực hiện Nghị quyết 18 do đích thân Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì và phát biểu chỉ đạo. Tinh thần là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tinh gọn bộ máy, sắp xếp giảm đầu mối trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tinh gọn tổ chức bộ máy là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước. “Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém”, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Chúng ta phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u”. Bởi, theo như Tổng Bí thư, đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Các cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”.
Mục tiêu của cuộc cách mạng tinh giản lần này là kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian; phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công… Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân…
“Từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp”, Tổng Bí thư yêu cầu.
(Bài 2: Thách thức và cơ hội trong tiến trình tinh giản bộ máy)
Nguồn: https://daidoanket.vn/xay-dung-bo-may-he-thong-chinh-tri-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-bai-1-doi-hoi-tu-thuc-tien-10297296.html