Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp cho ý kiến dự thảo về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình số 113/ CTr-TU của Tỉnh ủy Bình Dương về phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng – an ninh (QP-AN) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh, tổ chức chiều 6-6.
Xác định vai trò, vị trí quan trọng
Theo UBND tỉnh, việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình số 113/CTr-TU của Tỉnh ủy nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa nghị quyết, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh. Bình Dương phải trở thành một động lực quan trọng, góp phần cùng các địa phương trong vùng xây dựng Đông Nam bộ trở thành một khu vực phát triển năng động.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: NGỌC THANH
Theo dự thảo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương cơ bản trở thành một thành phố thông minh, đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương, là các đô thị hiện đại, đáng sống, văn minh, nghĩa tình; cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng, trở thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới; đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nhất là phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao theo hướng trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giáo dục, trung tâm chăm sóc sức khỏe tầm cỡ khu vực và thế giới, cùng các dịch vụ khác.
“Việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình số 113/ CTr-TU của Tỉnh ủy nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa nghị quyết, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Bình Dương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
(Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)
|
Cùng với đó, Bình Dương đẩy mạnh phát triển công nghiệp thế hệ mới, hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp khoa học công nghệ (KHCN), công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0, tạo lập một vành đai công nghiệp; xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục – đào tạo, y tế phát triển thuộc nhóm các địa phương đứng đầu cả nước. QP-AN chính trị được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng trưởng bình quân đạt khoảng 9-10%/ năm; GRDP bình quân đầu người đạt từ 15.000-16.000 USD; kinh tế số đóng góp khoảng 30-35% vào GRDP.
Tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương phấn đấu trở thành địa phương có cơ cấu kinh tế hiện đại; là một bộ phận quan trọng trong trung tâm KHCN và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và là một trong những trung tâm tài chính của khu vực; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ…
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Dự thảo kế hoạch xác định rõ 9 nhiệm vụ chủ yếu, thể hiện các giải pháp cụ thể và thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 154/NQ-CP và Chương trình số 113/ CTr-TU. Cụ thể là phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; phát triển công nghiệp công nghệ cao và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị; phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu lại và nâng cao giá trị ngành nông nghiệp; phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho dự thảo kế hoạch thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh, nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP và Chương trình số 113/ CTr-TU của Tỉnh ủy nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Bình Dương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục đóng góp thêm các ý kiến tâm huyết để sớm hoàn thiện dự thảo kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, hành động phát triển KT-XH mà Chính phủ, Tỉnh ủy đã đề ra. Theo đó, các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn xây dựng kế hoạch cụ thể, sát thực và tổ chức thực hiện trong phạm vi địa phương, đơn vị; thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN.
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10- 2022 của Bộ Chính trị “về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ngày 22-3-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 113-CTr/TU và chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình này và thường xuyên cập nhật tình hình mới, chỉ đạo của Trung ương để tham mưu điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp quá trình phát triển của tỉnh. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 9-10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt từ 15.000-16.000 USD; kinh tế số đóng góp khoảng 30-35% vào GRDP; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 90%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
NGỌC THANH