Mẹ tôi bảo “ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước”, ếch nhái kêu nhiều như thế có nghĩa là trời sắp có mưa to. Hồi còn nhỏ, tôi chờ mong cơn mưa ấy vô cùng.
Mưa rào sẽ rửa sạch sẽ mái nhà, làm cái bể chứa nước mưa đầy ắp. Sân vườn và đường làng cũng bóng láng chứ không lầy lội như lúc mưa phùn. Và đặc biệt hơn, những mặt ao làng tôi sẽ xanh ngắt những bè rau muống, rau rút non mỡ màng.
Sau cơn mưa, chiếc cầu ao chỗ chúng tôi hay bì bõm lội, nước dâng lên tận những bậc đá trên cùng. Nước mát lạnh trong vắt có thể nhìn thấu những viên đá ong dưới đáy cầu ao đã mòn vẹt vì thời gian đang trở thành hang trú ẩn của mấy con tôm càng.
Mỗi lúc thấy chúng tôi thò chân xuống là lũ tôm càng lại cong cái thân mình trong như màu nước, búng càng lao đi nhanh như tên bắn.
Tôi vẫn nhớ có những buổi sáng sau cơn mưa đêm, lũ ốc bươu to như ngón chân cái, mình phủ đầy rêu xanh, béo phẳng miệng, bấu chi chít quanh những chiếc cọc tre cũng bám đầy rêu cắm ven bờ nước. Loại ốc này ăn rất ngon chứ không phải là giống ốc bươu vàng phá hoại mùa màng những năm sau này mới xuất hiện. Chúng tôi hồi ấy chả thích thú gì với món canh ốc có lá xương sông hay ốc luộc lá chanh nên toàn lấy que rào, chạm vào để nhìn nó rời chiếc cọc tre và từ từ chìm mình xuống nước. Mưa rào cũng khiến lũ nòng nọc đen sì với chiếc đuôi bé tí ngoe nguẩy xuất hiện, chúng bơi thành từng đám đặc trên mặt nước.
Ven bờ, những chiếc lá khoai phủ đầy lông tơ xanh mỡ màng là nơi lý tưởng cho bọn ếch con ngồi giương cặp mắt lồi hóng hớt trước khi phóng xuống nước nghe “tũm” một cái y như có ai đó vừa ném một cục đất xuống mặt nước.
Tôi ngồi đấy và ngắm chán chê một giọt nước tròn xoe có chân biết chạy trên mặt chiếc lá biếc. Nghe bờ tre xào xạc hát ru và tiếng con chim gì đó hót lảnh lót bay mãi vào thinh không. Sắp đến lúc được nghỉ hè, mặt ao xanh đầu ngõ sẽ là nơi lý tưởng để chúng tôi khám phá.
Khi mặt nước long lanh như một tấm gương lớn soi bóng mây trời, các gia đình trong xóm nhỏ nhà tôi bắt đầu kiếm một khoảng mặt nước để thả vài bè rau muống, nhà nào “sang” hơn thì thả thêm bè rau rút. Vị trí thì giống như là “luật bất thành văn”, nhà nào làm bè ở đâu thì sang năm vẫn nguyên xi, cứ làm đúng chỗ đấy, chẳng mấy khi có ai tranh giành cãi cọ. Hồi ấy rau rút quý hiếm chứ không nhiều như bây giờ, nó khó gây lại năng suất thấp nên đắt đỏ, không phải nhà nào cũng “đầu tư” tiền để mua giống.
Nhà tôi chỉ thả hai bè rau muống tận ngoài giữa ao, ngọn non thì để người ăn, thi thoảng khi bè rau tốt lắm thì mới cắt một ít thân rau già mang về cho lợn. Chỗ ấy, nước trong và sạch sẽ, chẳng bao giờ có rác vướng vào.
Rau muống bè hồi ấy là giống rau muống tía, thứ rau này ngọn non màu đỏ tía chứ không xanh nõn như những loại rau bây giờ. Để gây bè, mẹ tôi mua về mấy bó rau muống già, kẹp lại bằng vài thanh nứa mỏng thả nổi trên mặt nước rồi dùng một cái cọc tre cắm cố định xuống đáy ao, giữ cho nó khỏi trôi đi mất.
Bè rau của mỗi nhà đều có một “ký hiệu” riêng để không bị lẫn với nhà khác, phòng khi mưa to hay gió bão có bị đánh trôi ra chỗ khác thì vẫn nhận ra để đem về cắm đúng vị trí nhà mình đã chọn.
Sau vài trận mưa đầu mùa là rau đã tua tủa những ngọn non mập mạp và đỏ tía vươn ra tứ phía, chẳng mấy lúc đã trở thành một đám xanh um trên mặt nước. Những chùm rễ đâm sâu xuống, chỉ hút nước ao mà rau lớn nhanh như thổi.
Tôi thích nhất là được hái rau sau những trận mưa rào bởi càng nhiều mưa, rau càng tươi tốt, ngọn non bơi ra xung quanh tua tủa, hái mãi vẫn không hết. Chỉ một loáng là đã có thể hái đầy một chiếc rổ tre to tướng, đủ cho cả nhà ăn vài bữa.
Rau muống bè ngọn to, ít lá, luộc chấm tương ăn giòn và ngọt khó có rau nào sánh được. Trời nắng nóng, chỉ cần bát canh rau muống dầm sấu chua dịu và quả cà bát nén mặn thì nồi cơm luôn “thủng nồi trôi rế”.
Những hôm trời mưa mát, món rau muống xào tỏi thơm điếc mũi làm chúng tôi dù đang mải chơi vui đến đâu cũng không cần gọi đã về chờ cơm vì cái bụng đang sôi lên sùng sục. Mùa hè, hầu như cả xóm tôi chỉ toàn ăn cơm rau muống, mỗi nhà làm thêm một chum tương nữa là yên tâm.
Hái rau hồi ấy nếu không có thuyền nan bơi đi thì chỉ có cách lội nước sâu đến tận cổ mà thôi. Nhà tôi không có thuyền mà tôi thì không dám lội xuống vì rất sợ giẫm xuống đáy ao đầy bùn, trong đầu luôn tưởng tượng có con gì đó dưới nước cắn chân lôi đi. Mặc cho xung quanh bọn bạn hàng xóm vẫn ôm chiếc can rỗng làm phao, hò reo tập bơi huyên náo cả mặt nước, tôi vẫn chờ có ai đó cho đi nhờ thuyền.
Cuối cùng cũng chỉ có thằng Còi, đứa bạn hàng xóm hay cho tôi lên thuyền đi nhờ mà thôi, chúng tôi hái rau cho nhà nó trước, xong của nó thì mới bơi qua bè nhà tôi để hái.
Thằng Còi phải nói là cừ khôi khi mà biết bơi thuyền một cách vô cùng thành thạo, nó điều khiển con thuyền bơi xung quanh bè rau rất điệu nghệ. Có lần nó cũng cho tôi cầm cây chèo bơi thử, nhưng chả hiểu sao chiếc thuyền không tiến lên được chút nào mà cứ xoay vòng rồi chòng chành suýt đắm.
Thằng Còi sợ lật thuyền nên bảo tôi ngồi im để nó chèo. Nó tiết lộ, dạo trước nó đã từng làm đắm thuyền và uống no một bụng nước, hồi ấy nó bơi thuyền chưa thạo và cũng chưa biết bơi dưới nước. Nhờ có con chuồn chuồn hổ cắn cho vào rốn một phát “đau điếng cồ cộ” nên bây giờ nó đã có thể bơi vòng quanh ao như một con nhái bén.
Tuy vậy, mẹ nó cũng không muốn cho nó tắm ao và dùng thuyền đi hái rau nếu không có người lớn trông chừng trên bờ. Mẹ nó bảo dưới nước có con thuồng luồng rất to lớn, ban đêm thường cất tiếng kêu ghê sợ lắm. Con vật này mà lôi xuống đáy ao thì trời cứu.
Nó bảo tôi đã không biết chèo thuyền thì chớ, lại cả không biết bơi, ngã xuống nước sẽ rất nguy hiểm, còn nó thì không sợ, chả vấn đề gì. Tôi nghe xong sợ quá nên chỉ khi nào đông người trên bờ mới dám lên thuyền đi nhờ hái rau với nó. Chẳng may có vấn đề gì còn có người cứu.
Thằng Còi hứa sẽ có buổi cho cả bọn tôi ngồi trên thuyền lượn một vòng quanh ao và đặt chân lên gò đất, nơi có đầy những quả búp bò chín đỏ và dây leo nở hoa trắng muốt giữa cái ao mà hàng ngày chúng tôi vẫn đứng trên bờ ngắm nhìn bờ đối diện.
Tất nhiên lời hứa ấy chưa được thực hiện thì bố nó biết được và cấm tiệt việc cả bọn kéo lên một chiếc thuyền. Thú thật lúc đó tôi tiếc vô cùng chuyến đi ấy, tôi muốn đến bờ bên kia, đến chỗ có ngôi đền nhỏ soi bóng xuống mặt ao và những buổi chiều hôm thường vẳng lên tiếng mõ lốc cốc.
Ngôi đền nhỏ thâm nghiêm có những bông hoa mẫu đơn đỏ rực ven bờ nước. Tôi cũng muốn ghé vào chỗ gò đất giữa ao để hái vài quả búp bò chín đỏ, ngang qua thăm lại bè rau nhà mình dù trong lòng vẫn còn vương nỗi sợ hãi mơ hồ.
Mãi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa biết con thuồng luồng ấy ra sao, trông ghê gớm đến thế nào. Có quá nhiều thứ cho tôi tiếc nuối, trong đó có cả cái mặt ao trong xanh đầy bí ẩn và những bè rau mỡ màng nay đã không còn gặp lại nữa.