Ca sĩ Thanh Lam trình diễn một thiết kế ứng dụng thổ cẩm dân tộc của nhà thiết kế Cao Minh Tiến. (Ảnh Ban tổ chức cung cấp)
Trong lần thứ 16 được tổ chức, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (VIFW) chọn chủ đề “Shaping the future” (tạm dịch: Kiến tạo tương lai), tiếp tục tôn vinh xu hướng chuyển đổi xanh đang lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Hiểu một cách đơn giản nhất, xanh hóa thời trang là ưu tiên các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện với môi trường, tăng thời gian sử dụng và giảm rác thải bằng cách tái chế…
Không còn là phong trào nhỏ lẻ ở vài thương hiệu tiên phong nữa, thời trang xanh đã chính thức trở thành xu hướng thôi thúc các nhà thiết kế Việt Nam sáng tạo, từ các cuộc thi quy mô trường học cho tới toàn quốc đều có dấu ấn của thiết kế xanh. Bên cạnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, thời trang Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác.
Chẳng hạn như hàng nghìn làng nghề thủ công truyền thống khắp mọi miền đất nước, tính đa dạng và độc đáo của các cộng đồng dân tộc, lịch sử giao thoa văn hóa lâu đời cùng nhiều di sản tầm cỡ thế giới đã được công nhận… Các bộ sưu tập vừa ra mắt công chúng tại sự kiện Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam thu đông 2023 phần nào thể hiện được sự kế thừa và phát huy những giá trị đó.
Trong buổi công diễn khai mạc tối 8/11, nhà thiết kế Vũ Việt Hà mang đến bộ sưu tập “Tơ sóng” với nguyên liệu chủ yếu là tơ tằm, đũi, satin… và quy trình dệt, nhuộm, hấp, phơi được các nghệ nhân làm thủ công, hạn chế hóa chất công nghiệp.
Với tông màu chủ đạo là trắng và xanh dương, tối giản họa tiết, các bộ trang phục bám sát tinh thần thời trang bền vững, mang lại sự thoải mái và khả năng ứng dụng cao cho người mặc. Điểm nhấn của bộ sưu tập là chiếc đầm dạ hội với phần cổ cách điệu như áo dài, kết hợp nón ba tầm – kiểu nón che nắng mưa của nữ giới miền bắc thời xưa – được làm bằng tơ sống, do một nghệ nhân làng nghề nón Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) thực hiện. Các người mẫu trình diễn trên nền âm nhạc kết hợp bởi nghệ sĩ piano Phó An My, nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc và nữ ca sĩ Hồng Nhung, tạo hiệu ứng du dương, hoài cổ.
Một nguồn cảm hứng khác tuy không mới nhưng vẫn luôn gây bất ngờ, thích thú cho khán giả yêu thích thời trang đó là đời sống vùng cao. Bộ sưu tập “Một chiếc áo mới” của nhà thiết kế Cao Minh Tiến biến sàn diễn thời trang giữa Thủ đô Hà Nội thành một không gian núi rừng phóng khoáng, rực rỡ. Những mảng thổ cẩm kết hợp với chất liệu vải denim hiện đại tạo nên các thiết kế gần như độc bản, không trùng lặp.
Câu chuyện mang chất liệu dân gian vào đời sống đương đại không chỉ hướng tới sự thân thiện với môi trường mà còn có giá trị gắn kết và phát huy nhiều nghề thủ công truyền thống có nguy cơ mai một của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: dệt lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu thổ cẩm… Cũng hướng về vẻ đẹp hoang dã của thiên nhiên đại ngàn, bộ sưu tập “Chợ tình” của nhà thiết kế Hoàng Quyên lại phô diễn nghệ thuật hội họa. Hoa, lá, núi, mây… được vẽ tay một cách duyên dáng và tỉ mẩn trên các thiết kế váy, áo bay bổng.
Đáng chú ý, sự góp mặt của các nhà thiết kế trẻ thuộc thế hệ Z (sinh năm 2000 trở lại) đã gây ấn tượng mạnh với những góc nhìn mới lạ. Nhà thiết kế sinh năm 2000 Phan Đăng Hoàng, một người Việt trẻ gây được tiếng vang trong giới thời trang cao cấp thế giới thời gian qua, đưa khán giả đắm chìm vào không gian triển lãm với những tác phẩm “điêu khắc” sống động qua bộ sưu tập “Sculpture” đã ra mắt trước đó dưới hình thức trình diễn kỹ thuật số tại Tuần lễ Thời trang Milan (Ý).
Bộ sưu tập dựa trên những chuyển biến hình khối trong các tác phẩm của bà Điềm Phùng Thị (tên thật là Phùng Thị Cúc, 1920-2002), nữ nghệ sĩ gốc Huế nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực điêu khắc. Sự kết hợp giữa loạt kỹ thuật phức tạp như giải cấu trúc, thêu đính, sơn mài, in hình trên nền các chất liệu đương đại như lụa, linen, tuýt-si, nhung, da… khiến các thiết kế của Phan Đăng Hoàng chinh phục được cả các chuyên gia giàu kinh nghiệm lẫn khán giả đại chúng. Nhà thiết kế Nguyễn Thành Danh, thủ khoa ngành Thiết kế thời trang (Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh), chào sân Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam với bộ sưu tập “Vệ tinh” mang phong cách phi giới tính và phá vỡ mọi quy chuẩn phom dáng thông thường, bắt nhịp xu hướng được giới trẻ hiện nay yêu thích.
Phạm Trần Thu Hằng, nữ thiết kế sinh năm 1997 được biết đến với tài năng biến vải vụn và quần áo cũ thành các sản phẩm thời trang mới, tiếp tục lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường qua bộ sưu tập thời trang trẻ em với chất liệu chủ yếu là denim tái chế, vải phao, da thuần chay…
Sự kiện thời trang còn ghi nhận nhiều bộ sưu tập từ các thương hiệu quốc tế của Indonesia, Thái Lan, Hà Lan… với cùng định hướng phát triển bền vững. Có thể nói, thời trang là một lĩnh vực khá đặc biệt khi sự sáng tạo có thể mang lại giá trị kinh tế, đồng thời góp phần bảo tồn và quảng bá nhiều nét văn hóa truyền thống của quốc gia, dân tộc. Là cái tên còn non trẻ trong làng thời trang thế giới, các nhà thiết kế Việt Nam cần tận dụng nguồn lực sẵn có và giữ bản sắc riêng nếu muốn đi đường dài, được công chúng trong và ngoài nước ủng hộ trong thời gian tới.
HẢI LÂM
Nhandan.vn