Những thách thức này buộc du lịch thế giới phải vận động theo hướng tăng trưởng xanh để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Khảo sát của Trip Advisor cũng cho thấy, có tới 34% du khách sẵn sàng bỏ thêm chi phí để lưu trú tại những khách sạn thân thiện với môi trường; 50% du khách không ngại chi trả thêm cho các công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn.
Ðiều này khẳng định, phát triển du lịch xanh không chỉ là xu hướng đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có khả năng chi tiêu cao và có ứng xử văn minh khi đi du lịch.
Một số địa phương, doanh nghiệp du lịch Việt đã tiên phong chuyển đổi “xanh” để giảm bớt tác hại tới môi trường. Tiêu biểu phải kể tới Silk Sense Hội An River Resort (tỉnh Quảng Nam) – khách sạn đầu tiên công bố không còn rác thải nhựa.
Silk Sense đã nghiên cứu, tham khảo nhiều tài liệu trong, ngoài nước để xây dựng Bộ tiêu chí Khách sạn không rác thải nhựa (gồm 60 tiêu chí) với nhiều yêu cầu, quy định cụ thể trong thực hiện phân loại rác tại nguồn, xử lý bao bì nhựa bắt buộc phải sử dụng, kêu gọi sự đồng hành, trách nhiệm của du khách…
Khách sạn cũng tổ chức các buổi đào tạo, chia sẻ về ý nghĩa của việc không dùng nhựa một lần tới người lao động; đầu tư chi phí để tìm kiếm giải pháp và sản phẩm thay thế thích hợp cho sản phẩm nhựa và sản phẩm nhựa dùng một lần…
Nhờ đó, suốt một năm qua, Silk Sense không còn rác thải nhựa ra môi trường. Năm 2023, khách sạn giảm được hơn 80.000 chai nhựa dùng một lần và hơn 10 tấn rác thải nhựa.
Thời gian gần đây, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) cũng trở thành điểm sáng về du lịch xanh trên bản đồ du lịch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô Đỗ Huy Thông cho biết, đã có thời kỳ, vào mùa cao điểm du lịch, mỗi ngày Cô Tô phải thu gom 20 đến 30 tấn rác thải, trong đó, chỉ riêng lượng rác thải nhựa đã chiếm tới 1-2 tấn/ngày.
Quyết tâm thay đổi thực trạng, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện đã phê duyệt Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”.
Sau một năm thí điểm quy định “du khách không mang chai nhựa, túi nylon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lên đảo”, từ tháng 9/2023, huyện đảo đã chính thức áp dụng quy định này với mọi du khách; đồng thời kêu gọi người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch trong huyện thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần, tham gia thu gom xử lý rác thải đại dương; xây dựng các mô hình “Phố không rác thải nhựa”, “Khu dân cư mẫu về phân loại rác tại nguồn”, lắp hệ thống thùng rác hai ngăn để phân loại rác tại các điểm công cộng…
Đến nay, cả 5/5 công ty du lịch trên địa bàn đều đăng ký tổ chức các tour du lịch “xanh”; 100% các nhà hàng, khách sạn, tiểu thương ở Cô Tô đều cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần…
Cùng với Hội An và Cô Tô, nhiều điểm đến “xanh”, cơ sở lưu trú “xanh”, sản phẩm du lịch “xanh” đang được thành hình ở những địa phương khác trên cả nước như Ninh Bình, Ninh Thuận, Côn Đảo,… Tuy nhiên, số lượng đơn vị chuyển đổi “xanh” của du lịch Việt Nam còn rất ít, nếu so với toàn bộ cơ sở du lịch, kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống trên cả nước.
Chia sẻ tại Diễn đàn Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi “xanh” để phát triển bền vững vừa diễn ra tại Hà Nội, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, có hai thách thức lớn mà du lịch “xanh” Việt Nam đang gặp phải.
Trước hết là khó khăn trong thay đổi, chuyển biến từ nhận thức thành hành động của các bên liên quan (doanh nghiệp, du khách, người dân tại điểm đến…) trong hệ sinh thái du lịch.
Thứ hai là câu chuyện cạnh tranh, bởi “xanh” giờ đây không chỉ là cam kết chính trị mà còn là chiến lược hành động mang tính quốc gia, và quan trọng hơn là đòi hỏi của chính thị trường, của du khách hiện đại với lối sống mới, cách tiêu dùng mới.
“Nếu không bắt kịp nhịp này thì năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước sẽ có khoảng cách lớn, nhất là với các nước có nền du lịch hấp dẫn trong khu vực” – ông Võ Trí Thành nhận định.
Trước thực tế nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại trong chuyển đổi “xanh” do gặp rào cản về kinh phí, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính để khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư cho du lịch có trách nhiệm, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh; phát huy tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, kêu gọi các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ.
Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, chuyển đổi “xanh” trong du lịch Việt Nam cần tập trung vào bốn yếu tố: quy hoạch “xanh”; quản lý điểm đến hiệu quả; thúc đẩy du lịch không rác thải nhựa và các-bon thấp; triển khai du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và UNDP đã phối hợp thực hiện Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch tại Việt Nam”. UNDP cũng đồng hành với các đối tác Việt Nam trong dự án “Thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã và du lịch dựa vào thiên nhiên có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam”.