Chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng”, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một con số đáng chú ý: Tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng làm xác thực sinh trắc học khớp với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả… Con số 16,6 triệu này tương ứng số tài khoản ngành ngân hàng mở cho khách hàng trong 1 năm hoạt động hiệu quả nhất.
Nghiên cứu 200 mẫu điện thoại thông minh khác nhau
Theo chia sẻ của ông Pranav Seth – Giám đốc Khối Chuyển đổi Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), để đạt được con số ấn tượng một triệu người đăng ký sinh trắc học trong 2 ngày đầu tiên triển khai Quyết định 2345, ngân hàng này đã có kế hoạch thực hiện đối với nội bộ ngân hàng và đối với cả khách hàng, bằng việc phổ biến, truyền thông những lợi ích mà khách hàng sẽ nhận được khi xác thực sinh trắc học.
Ông Pranav Seth cung cấp thêm thông tin, trong quá trình triển khai, Techcombank đã thực hiện nghiên cứu tới 200 mẫu điện thoại thông minh khác nhau, có vị trí kết nối NFC khác nhau để đảm bảo phục vụ các đối tượng khách hàng của mình. Thông qua việc nghiên cứu này, ngân hàng phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ đảm bảo việc cung cấp thông tin đến khách hàng thông qua nhiều hình thức, chẳng hạn khách hàng sử dụng thiết bị loại này thì sẽ có thao tác thanh toán như thế nào cho phù hợp với giao diện điện thoại của họ.
Bà Đoàn Hồng Nhung – Giám đốc Khối Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, Quyết định 2345 của NHNN đã tăng cường một lớp bảo vệ vô cùng chặt chẽ cho hàng rào công nghệ của Vietcombank, bổ sung thêm tiện ích về an toàn bảo mật cho khách hàng của Vietcombank khi sử dụng phần mềm giao dịch điện thoại của ngân hàng.
Theo bà Nhung, rất khó cho các ngân hàng để kiểm soát hành vi khách hàng và bảo vệ lợi ích của khách hàng trên kênh số nếu không có sự chỉ đạo và hướng dẫn sát sao của NHNN trong thời gian qua, đặc biệt là với việc ban hành Quyết định 2345.
Theo số liệu thống kê, trong 16 ngày kể từ ngày cập nhật phần mềm mới cùng với yêu cầu xác thực sinh trắc học, Vietcombank đã ghi nhận 8,5 triệu người sử dụng và xác thực bảo mật bằng phương pháp mới. Trong ngày 1/7 vừa qua, Vietcombank đã triển khai Xác thực sinh trắc học, đồng thời triển khai khai thác Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an.
Số lượng khách hàng cùng lúc truy cập và thực hiện đăng ký sinh trắc học là vô cùng lớn đã gây ra một vài khó khăn nhất định, song ngay sau đó Vietcombank đã nhanh chóng cập nhật và cải thiện dịch vụ để đưa hoạt động giao dịch và đăng ký xác thực sinh trắc học thông suốt trở lại. Từ ngày 18/6 đến ngày 4/7, Vietcombank ghi nhận gần 1,9 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học thành công.
Đối với khách hàng là người nước ngoài, Vietcombank đã thực hiện hỗ trợ đối tượng khách hàng này để thuận lợi đăng ký sinh trắc học khi xác thực giao dịch ngân hàng. Hiện nay, có khoảng 60 nghìn khách hàng là người nước ngoài đang sử dụng dịch vụ của Vietcombank đã được hỗ trợ, bằng hình thức hỗ trợ trực tiếp tại quầy, hoặc tại chính điểm làm việc của khách hàng (khách hàng làm việc tại khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI…).
“67 ngày đêm” thu thập sinh trắc học
Về phía Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao – Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, hiện nay, BIDV đang triển khai chiến dịch “67 ngày đêm” thu thập sinh trắc học, kết hợp tâm thế 3 “đồng” dựa trên 3 trụ cột, một trong ba trụ cột chính đó là trụ cột truyền thông, tập trung vào các nội dung: Lãnh đạo tiên phong trở thành KOLs nội bộ; Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm sứ giả nòng cốt; Nội dung truyền tải thú vị, hình thức đa dạng, thông điệp đơn giản, dễ hiểu.
Bà Giao cũng chia sẻ thêm, ngân hàng có 7.000 cán bộ được đào tạo hỗ trợ người dân 24/7 bằng nhiều hình thức. Tính đến đêm 3/7, hơn 1,7 triệu xác thực thành công sinh trắc học, trong đó có 166.000 thu thập tại quầy. Về một số giải pháp trong thời gian tới, đại diện BIDV đề xuất NHNN cần hướng dẫn các ngân hàng từng bước tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn về sinh trắc học và xác thực định danh điện tử, từ đó xây dựng bộ tiêu chuẩn chung để các ngân hàng áp dụng.
Song song với đó, các Bộ, ban ngành liên quan, NHNN, Bộ Công an, các ngân hàng, các cơ quan báo chí cùng phối hợp, lên kế hoạch để đào tạo nhận thức và kiến thức cho khách hàng và người dân.
Theo ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng số MB, ngân hàng hoạt động dựa trên nguyên tắc “3 hơn” đối với giao dịch, đó là nhanh hơn, thuận tiện hơn và bảo mật hơn. Ngay từ năm 2019, MB đã triển khai việc xác minh danh tính của khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ điện tử (eKYC).
Ông Phương cho biết, quy trình eKYC của MB có thêm một bước chống mạo danh hay nói cái khác là bước so – khớp hình ảnh của người đang thực hiện eKYC với hình ảnh trong trong căn cước công dân gắn chíp theo quy định của Đề án 06 nhằm mục đích loại bỏ triệt để các giao dịch ngân hàng từ tài khoản không chính chủ.
An Hạ
Nguồn: https://www.congluan.vn/xac-thuc-sinh-trac-hoc-mot-ngan-hang-nghien-cuu-hon-200-mau-dien-thoai-thong-minh-post302371.html