Tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” sáng nay (4/7), Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng thừa nhận, tình trạng không chuyển được tiền trong ngày đầu tiên thực hiện xác thực sinh trắc học là có thật, nhưng đã được từng bước giải quyết trong những ngày tiếp theo, đến nay cơ bản đã ổn định và thông suốt. Những khách hàng không có căn cước công dân gắn chip đã được ngân hàng hướng dẫn và hỗ trợ khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng.
Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Dũng, việc thực hiện xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm 1 lớp bảo vệ nên chắc chắn an toàn hơn. Trường hợp khách hàng có làm mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ.
“Xác thực sinh trắc học là thêm 1 lớp bảo vệ nữa, ngân hàng không bỏ một bước bảo mật nào, nên chỉ an toàn hơn cho khách hàng. Tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi hơn và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng công nghệ phải không ngừng nâng cao để bảo vệ tài sản khách hàng được tốt hơn”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả…
“Tôi vào ngành ngân hàng đến nay năm thứ 33. Đến nay, chúng ta có khoảng 170 triệu tài khoản ngân hàng. Theo đó, con số 16,6 triệu này tương ứng số tài khoản ngành ngân hàng mở cho khách hàng trong 1 năm hoạt động hiệu quả nhất”, ông Dũng nói.
Ông Dũng chia sẻ thêm, trong ngày đầu Quyết định số 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực (1/7/2024), số lượng giao dịch tại các ngân hàng tăng từ 10 – 20 lần so với ngày bình thường, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao dịch tại một số ngân hàng. Sang các ngày 2/7 và 3/7, các giao dịch cơ bản được thông suốt.
Ông Dũng nói: “Đây là một chiến dịch lớn. Là điều bắt buộc phải làm, không thể khác được”. Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện chống giả mạo, chống công nghệ (deepfake), giả mạo ảnh tĩnh…
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, bình quân 1 ngày trên hệ thống giao dịch của các ngân hàng có khoảng 1,8-2 triệu giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng. “Ngân hàng nhà nước kiểm soát giao dịch hàng giờ nhằm mục tiêu kiểm soát giao dịch bất thường”, Phó Thống đốc nói.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao – Phó Tổng Giám đốc BIDV – cho biết, ngày đầu tiên thực hiện sinh trắc học chuyển tiền, người dân gặp trục trặc làm 5 lần chưa xong là đúng, nhưng sau hệ thống dần ổn định.
“Chúng tôi có 7.000 cán bộ được đào tạo hỗ trợ người dân 24/7 bằng nhiều hình thức. Tính đến đêm qua, hơn 1,7 triệu xác thực thành công sinh trắc học, trong đó có 166.000 thu thập tại quầy”, bà Giao nói.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong việc chuyển tiền bằng sinh trắc học, ông Nguyễn Danh Đức – Phó Tổng Giám đốc SHB, các ngân hàng đều cố gắng dùng biện pháp kỹ thuật để chống lừa đảo, bảo vệ an toàn người dùng. Tuy nhiên, càng dùng biện pháp kỹ thuật gây khó khăn cho tội phạm thì cũng gây khó khăn trải nghiệm của người dân. Đây là bài toán khó cho ngân hàng vừa đảm bảo an ninh, vừa đảm bảo trải nghiệm tốt trong thanh toán cho khách hàng.
Theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước, nhiều loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân sẽ phải áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt từ ngày 1/7.
Giải pháp xác thực bằng sinh trắc học được áp dụng cho các giao dịch sau: Kích hoạt lần đầu dịch vụ ngân hàng số hoặc đổi thiết bị sử dụng; giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng giao dịch; giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; giao dịch thanh toán trên 100 triệu đồng; các giao dịch chuyển tiền nước ngoài, yêu cầu mua bán ngoại tệ (không phân biệt giá trị giao dịch).
Nguồn: https://tienphong.vn/xac-thuc-sinh-trac-hoc-chuyen-tien-bat-buoc-phai-lam-khong-the-khac-duoc-post1651969.tpo